Bàn tay khéo léo của người thợ tài hoa, kết hợp nguyên liệu tại quê nhà đã làm nên đòn bánh tét có hương vị đặc trưng của mảnh đất Trà Cuôn. Làng nghề truyền thống bánh tét Trà Cuôn có tên trong Câu lạc bộ đặc sản tỉnh Trà Vinh với quy mô ngày càng được mở rộng, mỗi năm cung ứng hàng chục triệu đòn bánh cho thị trường cả nước.
Gói bánh tét thủ công tại làng nghề bánh tét Trà Cuôn.
Trà Cuôn là một ấp thuộc xã Kim Hòa, huyện Cầu Ngang, có nghề làm bánh tét lâu đời. Từ thành phố Trà Vinh theo Quốc lộ 53 hướng về biển Ba Động độ hơn 10 km là tới làng nghề bánh tét Trà Cuôn. Dọc hai bên đường có hàng chục bảng hiệu giới thiệu và bày bán đặc sản bánh tét. Một số cơ sở sản xuất bánh tét Trà Cuôn lâu năm, có uy tín và quy mô lớn ở làng nghề này là Hai Lý, Ba Loan, Cô Trơn…
Bà Mai Thị Hoàng Loan, chủ cơ sở Bánh tét Trà Cuôn - Ba Loan cho biết, thuở mới lên chín, lên mười, bà đã bắt đầu đi bán bánh tét theo những chuyến xe đò xuôi ngược qua đất Trà Cuôn. Mẹ bà Loan tự gói bánh cho con gái bán. Thế rồi nghề làm bánh tét gia truyền ra đời, phát triển cho tới tận bây giờ.
Một trong những thương hiệu nổi tiếng khác là Hai Lý do bà Mai Hoàng Lý làm chủ. Theo bà Lý, để làm nên thương hiệu đặc sản bánh tét Trà Cuôn nổi tiếng thì điều quan trọng đầu tiên chính là nguồn nguyên liệu phải là loại ngon nhất. Nếp phải dẻo, đậu xanh nguyên hạt loại ngon; trứng vịt muối là vịt nuôi bằng lúa hoặc cua ốc tự nhiên; thịt, mỡ là loại nạc lưng, mỡ lưng… Đôi bàn tay khéo léo của những người thợ tâm huyết và tài hoa của mảnh đất Trà Cuôn đã góp phần làm nên đòn bánh tét thơm ngon hảo hạng, nức tiếng xa gần suốt mấy chục năm qua. “Và một điều quan trọng hơn hết là ý thức của các cơ sở sản xuất trong việc giữ gìn vệ sinh an toàn thực phẩm”, bà Lý nhấn mạnh.
Cũng như người em gái Mai Hoàng Loan, bà Lý là chị cả trong nhà, đi bán bánh tét theo những chuyến xe đò chở khách xuôi ngược các tỉnh miền Tây Nam Bộ từ năm 1977. “Hồi đó tại ngã ba Trà Cuôn có trạm thuế, tôi bán bánh tét theo xe đò, một ngày bán năm đòn, 10 đòn… rồi 20 đòn”, bà Hai Lý nhớ lại. Thế rồi, khi bánh tét Hai Lý có tiếng, người người đặt hàng mua bánh bằng... miệng, lên tới cả nghìn đòn bánh, mà bà tưởng họ nói chơi.
“Mấy ngày sau họ tới nhà lấy bánh làm tui ngỡ ngàng, bánh đâu mà giao. Lúc này tui hẹn lại, huy động tổng lực lượng chị em họ hàng gói ngày gói đêm, bếp lò lúc nào cũng rực lửa. Bánh vớt ra bao nhiêu, người ta mua sạch bấy nhiêu”, bà Hai Lý kể. Tiếng lành đồn xa, người ăn trước thấy ngon, giới thiệu cho người sau. Cùng với cung cách phục vụ, bán hàng thiệt tình và chân chất của người thợ miền tây, bà Lý và thương hiệu Bánh tét Trà Cuôn - Hai Lý trở thành địa chỉ uy tín đối với du khách mỗi khi qua tỉnh Trà Vinh.
“Vô tháng chạp hằng năm là cơ sở mình bắt đầu nhận đơn hàng bánh tét Tết. Lúc đó cả nhà đâu đâu cũng là nếp, là đậu vì phải mua dự trữ sẵn làm nguyên liệu. Công nhân, thợ gói bánh cả trăm người; hai dãy bếp lò hơn 20 thùng hấp bánh lúc nào cũng rực lửa. Đặc biệt là bánh tét ở đây được hấp bằng củi, than gỗ trong khoảng 8-9 giờ đồng hồ mới ra lò một mẻ cho nên hương vị rất đậm đà”, bà Hai Lý cho biết.
Cũng là một trong những cơ sở lớn ở làng nghề truyền thống bánh tét Trà Cuôn, hiệu bánh Cô Trơn ở ấp Kim Câu, xã Kim Hòa mỗi ngày cung ứng cho các đại lý, cửa hàng bán lẻ hàng trăm đòn bánh tét. Tuy nhiên, để tiết kiệm chi phí sản xuất, hầu hết cơ sở này tận dụng sức lao động của người thân trong gia đình và bố trí thời gian làm việc vào thời gian rảnh rỗi trong ngày.
Chỉ khi vào mùa lễ, Tết hoặc có số đơn đặt hàng lớn thì họ phải thuê mướn thêm thợ. Thế là trong nhà từ đàn ông, thanh niên hay trẻ nhỏ cũng đều tham gia gói bánh. Như ông Thạch Vui, chồng bà Thạch Thị Trơn, chủ cơ sở bánh tét Cô Trơn có đôi tay thoăn thoắt, nhanh nhẹn và khéo léo không thua gì thợ nữ. Tuy nhiên, ông Vui hay những người khác trong gia đình chỉ có thể làm được những khâu gói, cột dây, còn khâu quan trọng như ướp nhân, cân lượng gia vị thì luôn là bí quyết chỉ một người trong gia đình nắm giữ.
Từ năm 2011, Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh đã công nhận làng nghề truyền thống bánh tét Trà Cuôn với 7 cơ sở sản xuất, kinh doanh lớn. Các cơ sở ở đây còn ứng dụng mạng xã hội để quảng bá sản phẩm, tìm kiếm khách hàng. Từ đó thị trường ngày càng mở rộng, sản lượng cũng tăng lên, nhất là từ khoảng rằm tháng chạp âm lịch hằng năm thì hầu như nhà nào cũng sáng đèn, thâu đêm gói bánh. Mỗi cơ sở có ít nhất từ vài chục nhân công, thợ gói bánh, chỗ nhiều có đến cả trăm người. Không khí lao động của làng nghề trở nên rất sôi động. Từ tình yêu với mảnh đất Trà Cuôn gian khó, những người thợ tài hoa đã làm nên loại bánh tét thơm ngon đậm đà tình đất, tình người, vang danh khắp chốn.
Bài và ảnh: Quốc Dũng