Du khách quốc tế tham quan Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Điểm đến hấp dẫn
Thông tin từ Sở Du lịch Hà Nội cho thấy, 5 tháng đầu năm 2024, ngành du lịch Thủ đô đã đón 11,55 triệu lượt du khách trong nước và quốc tế, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, khách du lịch quốc tế đạt 2,64 triệu lượt khách, tăng 51,9% so với cùng kỳ năm 2023. Lượng khách tăng cao khiến tổng thu từ khách du lịch đạt 45.856 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2023.
Đối với thị trường quốc tế, ngành du lịch Thủ đô ngày càng khẳng định được vị trí, hình ảnh trong khu vực cũng như trên thế giới. Các tổ chức kinh doanh dịch vụ du lịch quốc tế tiếp tục đề cử, vinh danh Hà Nội tại các giải thương uy tín, tầm cỡ khu vực và quốc tế.
Theo đó, Tổ chức Du lịch thế giới (WTA) đề cử Hà Nội ở 2 hạng mục Asia's Điểm đến kỳ nghỉ ngắn ngày tại TP hàng đầu châu Á (Leading City Break Destination 2024) và Điểm đến TP hàng đầu châu Á (Asia's Leading City Destination 2024). Tương tự nền tảng du lịch trực tuyến hàng đầu thế giới Tripadvisor đã vinh danh Hà Nội ở hạng mục Điểm đến hàng đầu thế giới 2024 và Điểm đến ẩm thực hấp dẫn nhất thế giới 2024.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân khiến du lịch Thủ đô khởi sắc ngay trong những tháng đầu năm là do nhiều DN đã đổi mới sản phẩm. Đồng thời Hà Nội liên tục tổ chức nhiều sự kiện quảng bá du lịch Thủ đô như: lễ hội du lịch Hà Nội 2024; lễ công bố sản phẩm “Du lịch cộng đồng bản Miền” của xã Ba Vì; chương trình “Happy Tết 2024”...
Bên cạnh đó nhiều DN đẩy mạnh khai thác những thế mạnh của Thủ đô như du lịch di sản, làng nghề gắn với thế mạnh của từng địa phương. Thực tế cho thấy, sau khi giới thiệu 16 tour đêm đặc sắc, du lịch Thủ đô đề xuất 2 sản phẩm du lịch đêm tại ngoại thành Hà Nội hoạt động theo mô hình biểu diễn văn hóa, nghệ thuật, mua sắm, giải trí, giới thiệu văn hóa ẩm thực tại xã Đông Xuân (Quốc Oai) và xã Quảng Phú Cầu (huyện Ứng Hòa).
Tập trung vào thị trường mục tiêu
Năm 2024, ngành du lịch Hà Nội đặt mục tiêu đón 5 triệu lượt khách quốc tế. Để hoàn thành mục tiêu này các chuyên gia du lịch cho rằng, bên cạnh việc nâng cấp các tour đặc trưng của Hà Nội cần tập trung thu hút khách từ thị trường mục tiêu, đặc biệt là những phân khúc khách cao cấp hoặc số lượng nhiều.
Là đơn vị nhiều năm liền đón khách từ thị trường Trung Quốc, Giám đốc Công ty CP Lữ hành quốc tế Kim Liên Ngô Thị Lan Phương chia sẻ, khách Trung Quốc thường đi theo đoàn đông và chi tiêu nhiều cho ẩm thực, trải nghiệm văn hóa, vui chơi giải trí, mua sắm.
Hiện nay, phần lớn khách Trung Quốc đến Hà Nội đều là doanh nhân sang tìm cơ hội hợp tác nên ở lại khá lâu, thế nhưng Hà Nội chưa có nhiều sản phẩm du lịch, điểm mua sắm hấp dẫn và không có nhiều tuyến, điểm tham quan mới.
“Để hút khách Trung Quốc đòi hỏi Hà Nội xây dựng các sản phẩm gắn với trải nghiệm độc đáo, đặc biệt là các loại hình nghệ thuật giải trí, show diễn qua đó khai thác kinh tế đêm. Ngoài ra, có thể mở rộng việc kết nối các tuyến điểm trong khu vực nội thành với các điểm ở ngoại thành nhằm kéo dài thời gian lưu trú của khách Trung Quốc khi đến Hà Nội” - bà Ngô Thị Lan Phương hiến kế.
Đồng tình với quan điểm trên, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư du lịch Hà Nội (Hanoi Tourism) Nhữ Thị Ngần cho biết, DN Hàn Quốc cũng mong muốn tại Hà Nội sẽ có những điểm mua sắm nông sản chất lượng cao để làm quà. “Hà Nội có nhiều sản phẩm OCOP đáp ứng được nhu cầu mua sắm của khách Hàn Quốc, Trung Quốc. Vì vậy, TP cần xây dựng những điểm mua sắm đạt chuẩn, nằm ở vị trí thuận lợi”- bà Nhữ Thị Ngần kiến nghị.
Theo các chuyên gia, hiện nhiều quốc gia châu Âu đang gặp khó khăn do khủng hoảng kinh tế, chính trị nên có xu hướng tiết kiệm chi tiêu, việc thu hút các thị trường mới nổi như Trung Đông, Ấn Độ đến Hà Nội sẽ là một hướng đi khả quan.
Đánh giá cao tầm quan trọng của việc thu hút khách quốc tế đến Hà Nội, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, thời gian tới, Sở sẽ tập trung thu hút khách từ các thị trường mới, xây dựng sản phẩm “3 quốc gia một điểm đến” gồm Việt Nam, Lào, Campuchia, trong đó trung tâm thu hút khách là Thủ đô Hà Nội.
Ngoài ra, đơn vị sẽ đẩy mạnh phối hợp với Hãng hàng không Emirates của Dubai trong việc đưa khách từ khu vực Trung Đông sang Hà Nội. Đồng thời tập trung hoạt động xúc tiến thu hút các thị trường khách quốc tế trọng điểm gần như: Đông Bắc Á, ASEAN, Ấn Độ và tổ chức xúc tiến tại các thị trường trọng điểm xa nếu đủ điều kiện như: EU, Australia, Mỹ...
Để gia tăng trải nghiệm, khuyến khích khách quốc tế chi tiêu, du lịch Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai xây dựng, phát triển một số tour văn hóa gắn với di sản - di tích, làng nghề theo tuyến Thanh Trì - Thường Tín - Phú Xuyên và tuyến Thanh Oai - Ứng Hòa - Mỹ Đức
Đồng thời đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch đường sông kết nối các điểm đến du lịch dọc khu vực sông Hồng, sông Đuống, hoàn thiện tuyến du lịch Chương Dương Độ - Bát Tràng - đền thờ Chử Đồng Tử.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh truyền thông hình ảnh điểm đến, tour mới trên các kênh truyền thông với thông điệp xuyên suốt: “Hà Nội - Đến để yêu” và “Hà Nội - Điểm đến du lịch an toàn, thân thiện, chất lượng, hấp dẫn”.
Lê Nam