Gần đây du lịch huyện Thăng Bình phát triển ở cả vùng Đông và vùng Tây với nhiều loại hình du lịch nghỉ dưỡng, khám phá làng nghề, danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử…
Du khách tham quan, khám phá làng nghề nước mắm Cửa Khe (Bình Dương). Ảnh: P.V
Khởi sắc ở vùng đông
Nhiều du khách bày tỏ hứng thú khi khám phá, trải nghiệm mảnh đất Bình Dương ở vùng Đông Thăng Bình. “Nhất mắm Cửa Khe - nhì chè An Phú”, hương vị mặn mòi của cá cơm than nức tiếng đã tạo dưng thương hiệu cho làng nghề nước mắm Cửa Khe (Bình Dương).
Đến với Cửa Khe, du khách trải nghiệm công việc của làng nghề khi tham gia các công đoạn làm sạch cá cơm tươi mang từ biển về, trộn cá nguyên liệu với muối để ủ chượp, rồi thao tác chiết rót mắm, đóng chai, gắn nhãn, bán hàng…
Làng nghề Cửa Khe nằm ở vị trí hết sức thuận lợi để phát triển du lịch, nối với Hội An - Đà Nẵng; nằm sát hai khu du lịch Vinpearl Land Nam Hội An và Hoiana.
Xã Bình Dương còn được thiên nhiên ban tặng với đường bờ biển dài 4,5km với bãi cát trắng mịn trải dài nên thơ và nguồn hải sản phong phú.
Dù trải qua bao thăng trầm của lịch sử, nghề khai thác hải sản ở Bình Dương vẫn lưu giữ được những nét văn hóa đặc trưng của miền biển như sử dụng thuyền thúng, đánh lưới, kéo rùng.
Hằng năm vào tháng 2 âm lịch, cộng đồng cư dân ven biển đều tổ chức lễ hội cầu ngư, hát bả trạo, lễ cúng tổ nghề mắm…, cầu mong mưa thuận gió hòa, trời yên biển lặng, thành kính tri ân công đức của những bậc tiền hiền, tổ nghề đã khai sinh và truyền lại đến nay.
Bà Phan Thị Nhi - Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình cho biết, thời gian qua, ngành du lịch, các cơ sở dịch vụ du lịch trên địa bàn phổ biến bộ tiêu chí du lịch xanh, bộ quy tắc ứng xử du lịch nhằm xây dựng môi trường du lịch an toàn, hấp dẫn. Du khách ấn tượng tốt ở các điểm tham quan. Thăng Bình tiếp tục hình thành hệ thống quản lý tour, tuyến, tạo môi trường thân thiện để rộng mở tiềm năng du lịch, tạo thuận lợi cho khách tham quan khám phá, trải nghiệm.
Ở Bình Dương, du khách còn được dịp tham quan, tìm hiểu lịch sử hào hùng của vùng đất nhiều lần được vinh danh anh hùng ở cả đấu tranh chống giặc lẫn xây dựng quê hương.
Nơi đây có đến 12 di tích lịch sử cấp tỉnh, trong đó có căn cứ lõm Bàu Bính huyền thoại nhắc nhớ tinh thần kiên cường cách mạng “một tấc không đi, một li không rời”.
Từ Bình Dương có nhiều tuyến đường tỏa đi khắp các không gian du lịch của vùng Đông Thăng Bình nói riêng, Quảng Nam nói chung.
Có thể kể đến du lịch biển Bình Minh đang “thức dậy” từng ngày với các loại hình bãi tắm, khu nghỉ dưỡng, du lịch làng quê, trải nghiệm không gian đô thị yên ả, tận hưởng ẩm thực đặc sắc. Hay du khách đến với xã Bình Đào thơm hương vị khoai lang Trà Đõa đặc trưng...
Vùng tây mời gọi
Những ngày này, người dân khắp nơi đổ về điểm du lịch sinh thái Hố Thác ở xã Bình Phú để ngâm mình trong dòng suối mát, hàn huyên trò chuyện, tận hưởng sư trong lành của thiên nhiên.
Thiên nhiên vùng tây Thăng Bình thu hút du khách.
Hố Thác dài gần 3km, từ đỉnh hố giáp với xã Tiên Sơn (Tiên Phước) đổ về tới xã Bình Phú. Lâu nay, thác nước tự nhiên này vắng khách, cây dại phủ kín lối. Năm 2023, xã Bình Phú xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, bắt tay khai phá tiềm năng du lịch sinh thái Hố Thác.
Chính quyền địa phương, các hội, đoàn thể, Mặt trận, nhân dân đã không quản gian khó nắng mưa xây dựng đường đi, đầu tư cảnh quan cây xanh, bố trí các chòi nghỉ, công trình vệ sinh… Hố Thác đón nhiều du khách, các hộ dân xung quanh có thêm sinh kế từ việc phục vụ ẩm thực, cung cấp dịch vụ.
Cũng ở xã Bình Phú, nhiều du khách rất thích thú khi đến tham quan di tích lịch sử cấp tỉnh Căn cứ Huyện ủy Thăng Bình. Tìm hiểu di tích lịch sử, du khách hình dung lại những cánh rừng nơi đây đã từng chở che cho bao thế hệ hoạt động cách mạng trong giai đoạn 1964 - 1975 gian khó. Nhân dân đã gom góp bao củ sắn, củ khoai, lương thực, thực phẩm để nuôi bộ đội đánh giặc, giữ làng, giữ nước.
Bà Nguyễn Thị Hiền - Phó Trưởng phòng VH-TT huyện Thăng Bình cho biết, ở vùng Tây của huyện còn có nhiều danh lam thăng cảnh quyến rũ du khách như hồ Cao Ngạn, Phước Hà, Đông Tiễn, Hố Cam, Hố Thác, suối Ly Ly… bên cạnh những cánh đồng lúa ngút ngàn, những khu vườn trĩu quả.
Đến tham quan vùng Tây Thăng Bình, du khách có thể ghé đến và tìm hiểu di tích cấp quốc gia đặc biệt Phật viện Đồng Dương (xã Bình Định Bắc). Di tích này tuy chỉ là một khu phế tích nhưng chứa đựng nhiều điều kỳ bí về một thời đại huy hoàng của Vương quốc Chămpa. Phật viện Đồng Dương đang được các ngành chức năng, địa phương quan tâm bảo vệ, khảo cổ và phát huy giá trị, hứa hẹn là điểm đến hấp dẫn của du khách trong tương lai gần.
Việt Nguyễn