Chợ hoa Tết - sắc thái văn hóa của thủ đô Hà Nội
Cập nhật: 09/02/2010
Cứ mỗi độ Tết đến, trong tiềm thức mỗi người Hà Nội, đón năm mới không chỉ là chiếc bánh chưng xanh, khoanh giò lụa, phong lì xì mà cả những cành đào thắm sắc, cây quất trĩu quả hay những lọ hoa rực sắc màu.

Hà Nội nổi tiếng là đất trồng hoa với những địa danh: Ngọc Hà, Nhật Tân, Nghi Tàm, Quảng Bá, làng Đăm...

Dịp cuối năm, các làng hoa Hà Nội thi nhau khoe sắc, cùng giao ước gặp nhau ở các chợ hoa Tết. Vậy nên, cho dù nhiều người tất bật với các công việc cuối năm nhưng thú chơi chợ hoa Tết cũng không thể xem thường.

Người ta chơi chợ hoa Tết, đơn giản để tìm một cành đào, chậu mai vàng hay quất cảnh bày trong những ngày năm mới. Nhưng sâu xa, nhiều người chơi chợ hoa để có những phút giây thư thái, gạt bỏ những lo toan đời thường, tìm một chút lãng mạn dù rất nhỏ nhoi cho cuộc sống thêm nhiều màu sắc.

Ở các chợ hoa Tết, dù quất cảnh, mai vàng, hồng, dơn, lan, cúc... nhiều tới đâu thì những cành đào Nhật Tân vẫn là tâm điểm của chợ hoa Tết.

Thậm chí, chợ hoa Tết của Hà Nội xưa còn lắng lại trong tâm thức người dân là hình ảnh các bà, các chị mặc áo nâu sồng, nón thúng quai thao, cầm những cành đào Nhật Tân. Người trồng hoa Nhật Tân vẫn còn tự hào với giai thoại vua Quang Trung áo bào còn vương mùi thuốc súng, vội cho ngựa trạm đem cành đào Nhật Tân vào Phú Xuân tặng Bắc Cung Hoàng hậu Lê Ngọc Hân báo tin vui chiến thắng quân Thanh vào mùa Xuân năm Kỷ Dậu.

Cành đào Nhật Tân là hình ảnh mùa Xuân của Thăng Long xưa, Hà Nội ngày nay và dường như nó không thể thiếu trong ngày Tết của mỗi gia đình người Hà Nội.

Năm nay, Hà Nội tổ chức 51 chợ hoa, đó là con số trên giấy và thực tế số chợ hoa tồn tại còn lớn hơn nhiều lần. Có nhiều chợ hoa có tính truyền thống, hình thành từ nhiều năm qua, in vào tiềm thức và thói quen của mọi người. Có lẽ mang tính truyền thống nhất là chợ hoa Hàng Lược (quận Hoàn Kiếm), kéo dài từ phố Hàng Lược sang phố Hàng Mã, hàng Rươi và hàng Khoai. Sau là chợ hoa Quảng An, chợ hoa Nghi Tàm (nay dịch chuyển sang khu vực đường Lạc Long Quân) hay chợ hoa trên đường Hoàng Hoa Thám.

Nếu chợ hoa Hàng Lược mang tính truyền thống thì chợ hoa Quảng An là đầu mối cung cấp hoa đi các nơi. Chợ họp từ nửa đêm đến gần sáng thì tan. Riêng những ngày Tết, chợ hoa Quảng An không có thời gian ngừng nghỉ, sôi động suốt ngày.

Theo ông Trần Kim Anh thuộc Tổ quản lý chợ hoa Quảng An: Hoa ở đây vô cùng phong phú, từ Đà Lạt đưa ra, từ Sa Pa đưa về, thậm chí từ Trung Quốc đưa sang. Nhưng hoa tại Hà Nội từ các vùng hoa Tây Tựu, Mê Linh chiếm 90% với chất lượng không thua kém hoa Đà Lạt, Sa Pa.

Đường Hoàng Hoa Thám vào thời điểm này cũng rực sắc màu với màu vàng của cúc, của mai; màu đỏ của đỗ quyên, trạng nguyên; màu trắng của mai cảnh; màu trắng hồng, vàng xanh của lan và đặc biệt là đỏ hồng của những cành đào bích.
VietnamPlus