Đưa múa bát của người Tày thành sản phẩm du lịch ở Bắc Kạn
Cập nhật: 27/08/2024
Người Tày ở Bắc Kạn có một điệu múa cổ rất ấn tượng, đặc sắc gần đây mới được quảng bá và biết đến nhiều hơn, đó là điệu múa bát. Hiện nay, múa bát không chỉ được biểu diễn trong các lễ hội, hoạt động văn nghệ quần chúng mà còn trở thành sản phẩm du lịch, thu hút du khách trong hành trình khám phá và trải nghiệm vùng cao Bắc Kạn.

Màn múa bát với sự tham gia của 250 người tại Lễ hội Lồng Tồng Ba Bể năm 2024

Đặc sắc múa bát

Lần đầu tiên chúng tôi được chứng kiến múa bát của người Tày, là màn biểu diễn tập thể của 250 nghệ nhân, diễn viên tại Lễ hội Lồng Tồng Ba Bể năm 2024. Trước khung cảnh hùng vĩ của những rặng núi soi bóng dưới làn nước xanh ngắt, cảnh sắc thiên nhiên đẹp như một bức tranh thủy mặc của hồ Ba Bể, các nghệ nhân, diễn viên trong trang phục áo chàm truyền thống của dân tộc Tày, đầu vấn khăn, đôi tay cầm chắc chiếc bát, đôi đũa  nhịp nhàng, linh hoạt nhưng không thiếu sự uyển chuyển, duyên dáng thể hiện các động tác trong tiếng gõ bát lách cách rộn ràng. Màn trình diễn múa bát thật ấn tượng, là điểm nhấn vô cùng đặc sắc tại lễ hội.

Nghệ nhân dân gian Hà Sĩ Hoàn (68 tuổi) - người có nhiều công lao truyền dạy múa bát của dân tộc Tày chia sẻ: Múa bát là nghệ thuật trình diễn dân gian quan trọng trong các dịp Tết, lễ hội truyền thống của người Tày. Trong số những làn điệu dân ca, dân vũ của người Tày, múa bát có sự phổ biến rộng rãi nhất. Múa bát gắn với đời sống, sinh hoạt và sản xuất hằng ngày của đồng bào Tày. Có thể nói, ở đâu có người Tày, ở đó có múa bát.

Điệu múa bát được người Tày biểu diễn nhiều trong các lễ hội mùa xuân. (Trong ảnh: Màn múa bát trong Lễ hội Lồng Tồng năm 2024, xã Quân Hà, huyện Bạch Thông, Bắc Kạn)

Nhiều người Tày nói, múa bát mô phỏng lại các động tác ươm tơ, dệt vải của người Tày từ xa xưa. Tiếng gõ bát lúc trầm, lúc bổng như thay cho lời kể, lời tâm tình của những người phụ nữ Tày về những vất vả trong việc ươm tơ, dệt vải, qua đó còn thể hiện khát vọng của các bà, các chị về cuộc sống đủ đầy.

Cũng có người cho rằng, điệu múa bát xuất phát từ nghi lễ cầu mùa hoặc lễ mừng cơm mới của đồng bào nên đạo cụ chính là chiếc bát, đôi đũa được bà con sử dụng trong bữa ăn hằng ngày... Qua các điệu múa, người dân thể hiện lòng biết ơn đối với tổ tiên, cầu mong một mùa màng bội thu và duy trì sự đoàn kết trong cộng đồng.

Chị Nông Thu Biến, Đội trưởng Đội văn nghệ dân gian thôn Cốc Tộc, xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể cho biết, điểm đặc biệt của múa bát, chính là việc người múa sử dụng bát và đũa gõ vào nhau tạo ra âm thanh. “Những động tác múa của múa bát người Tày thường mang tính linh hoạt, đòi hỏi sự điều chỉnh chính xác và sự đồng bộ giữa những người bạn diễn. Nhịp điệu và các động tác múa bát không khó, không cầu kỳ để bất cứ ai, từ già đến trẻ đều có thể tham gia nên có sức lôi cuốn rất lớn đối với cộng đồng”, chị Nông Thu Biến cho hay.

Điệu múa bát thể hiện sự duyên dáng, khéo léo của phụ nữ Tày

Trải qua bao thăng trầm lịch sử, múa bát của người Tày Bắc Kạn vẫn được bảo tồn, duy trì và phát triển trong đời sống tinh thần của người Tày từ thế hệ này sang thế hệ khác. Thông qua các lễ hội văn hóa, múa bát người Tày đã được lan tỏa, không chỉ trong cộng đồng các dân tộc tỉnh Bắc Kạn, mà còn gây được sự chú ý của du khách khắp mọi miền Tổ quốc.

Múa bát trở thành sản phẩm du lịch

Có mặt tại Khu du lịch sinh thái hồ Ba Bể, được xem các cô gái Tày duyên dáng trong điệu múa bát phục vụ khách du lịch, chúng tôi không khỏi thích thú. 

Các thiếu nữ Tày biểu diễn múa bát phục vụ khách du lịch

Được biết, để hiện thực hóa mục tiêu đưa du lịch thành kinh tế mũi nhọn vào năm 2025, thời gian qua, song song với đầu tư hạ tầng du lịch, Bắc Kạn đã rất nỗ lực xây dựng các hoạt động mang tính điểm nhấn đặc sắc, trong đó có múa bát. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, có nhiều tổ nhóm, câu lạc bộ văn nghệ được thành lập và được tập huấn về các làn điệu dân ca, dân vũ cổ truyền, trong đó có điệu múa bát để phục vụ các sự kiện ở cơ sở, các lễ hội, phiên chợ…

Điều đó, đã tạo điều kiện cho loại hình này tiếp tục duy trì và phát triển trong đời sống. Ngoài mục tiêu bảo tồn, múa bát còn được kỳ vọng trở thành nét văn hóa độc đáo của Bắc Kạn. Nói như Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Phạm Duy Hưng, từ những thành công ban đầu, tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo, đầu tư để múa bát phát triển rộng hơn nữa trong thời gian tới.

Khi đồng bào Tày đã biết làm du lịch, để thể hiện lòng mến khách của mình, múa bát đã trở thành điệu múa chào đón khách phương xa mỗi khi đến với Bắc Kạn. Các tour du lịch văn hóa kết hợp trải nghiệm múa bát, hứa hẹn tiềm năng thu hút du khách đến với Bắc Kạn, cũng là điều quan trọng tạo ra nguồn thu nhập bền vững cho cộng đồng. Trong những Homestay của đồng bào hay trong những lễ hội, những tiếng gõ nhịp nhàng của điệu múa bát tạo nên không khí vui nhộn, để người ta thấy thêm yêu lao động, yêu quê hương, xứ sở hơn, tạo nên tinh thần đoàn kết, gắn bó hơn.

Nhiều lớp truyền dạy múa bát được mở, tạo điều kiện cho loại hình này tiếp tục duy trì và phát triển trong đời sống. (Ảnh Thu Trang)

Chị Dương Thị Sim, Đội trưởng đội múa bát xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể tâm sự, chị rất tự hào khi mang điệu múa bát phục vụ khách du lịch. Để duy trì điệu múa bát này, chị sẽ tích cực truyền dạy cho lớp trẻ. Chị Sim còn phấn khởi cho biết, hiện nay tại vùng hồ Ba Bể đã có 12 đội diễn viên biểu diễn các làn điệu dân ca, dân vũ phục vụ du khách. Trong đó, múa bát là một trong những điệu dân vũ được du khách rất yêu thích và hào hứng cùng tham gia.

Bóng đêm dần bao trùm khoảng không gian rộng lớn trên hồ Ba Bể, cũng như buổi tối cuối tuần khác, chị Sim lại chuẩn bị trang phục truyền thống và đạo cụ (bát, đũa) để đến trình diễn múa bát cho một Homestay. Việc trình diễn mang lại thu nhập thêm cho chị Sim và các cô gái trong bản.

Có thể thấy, sự mong muốn được xem múa bát của du khách tại Homestay là tín hiệu vui với du lịch và với chính di sản múa bát, bởi múa bát dần trở thành sản phẩm văn hóa phục vụ du lịch, quảng bá văn hóa dân tộc Tày đến với bạn bè trong và ngoài nước.

Thanh Thuận

Báo Dân tộc - baodantoc.vn - Đăng ngày 26/08/2024