Huyện Tam Đường (Lai Châu): Phát triển du lịch gắn với bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc
Cập nhật: 20/08/2024
Huyện Tam Đường (Lai Châu) được thiên nhiên ban tặng khí hậu trong lành, mát mẻ, có nhiều dãy núi cao, mạng lưới hang động lớn, nhỏ trong lòng các dãy núi cùng nhiều thác nước đẹp...

Đây là tiền đề thuận lợi để Tam Đường phát triển du lịch khám phá và du lịch thể thao mạo hiểm gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách gần xa.

Ngoài nắm bắt cơ hội phát triển du lịch nhờ thiên nhiên ưu đãi, huyện Tam Đường cũng nhận thức rõ sự cần thiết của việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số với chủ thể là người dân; phát huy được ý thức tự giác, quyền lợi, trách nhiệm của chính người dân và cộng đồng khu dân cư. Hằng năm, huyện chỉ đạo duy trì và nâng cao chất lượng tổ chức các lễ hội truyền thống bảo đảm đúng nghi lễ, với nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật đặc sắc, phát huy được giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa cho nhân dân và du khách.

Du khách tham quan bản Sì Thâu Chải, xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường.

Chúng tôi có mặt tại bản Sì Thâu Chải, xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường vào những ngày giữa tháng 8, mặc dù đang là mùa mưa nhưng vẫn có nhiều du khách ghé thăm. Bản Sì Thâu Chải có hơn 60 hộ dân là người Dao sinh sống. Ấn tượng với du khách khi đến đây là không gian yên tĩnh, cảnh quan môi trường luôn xanh, sạch, đẹp với hoa hồng, hoa địa lan cùng nhiều loại cây ăn quả như đào, mận, lê trồng hai bên đường đi, trên sườn núi. Con đường dẫn vào bản được lát đá, hai bên đường đi là những bức tường đá và những ngôi nhà gỗ đặc trưng của đồng bào dân tộc Dao. Không chỉ thu hút du khách bởi cảnh đẹp của tạo hóa, bản Sì Thâu Chải còn là nơi lưu giữ nhiều phong tục, tập quán độc đáo của người Dao. Tới đây, du khách được trải nghiệm cùng đồng bào Dao trong các lễ hội, thưởng thức ẩm thực của người vùng cao ngay trong chính không gian văn hóa cộng đồng, dưới những ngôi nhà gỗ hàng trăm tuổi, với tình cảm chân tình, nồng hậu chào đón khách của bà con nơi đây. Đáng chú ý, đến đây vào mùa lúa chín vàng, du khách có thể tham gia trò chơi mạo hiểm, thú vị như dù lượn để trải nghiệm bay trên thung lũng Tam Đường.

Anh Lù A Giàng, chủ homestay A Giàng ở bản Sì Thâu Chải cho biết: “Năm 2023, tôi được huyện Tam Đường quan tâm hỗ trợ 160 triệu đồng để xây dựng homestay. Cứ vào dịp cuối tuần, cơ sở lưu trú của tôi lại thường xuyên trong tình trạng không còn phòng. Từ nay đến hết tháng 9, tôi đã nhận kín lịch khách lưu trú. Huyện Tam Đường cũng đã quan tâm đầu tư mở rộng, nâng cấp và trải nhựa con đường mòn cũ lên bản Sì Thâu Chải tạo điều kiện cho việc đi lại trở nên thuận lợi hơn. Người dân trong bản được tập huấn, học hỏi tư duy, cách làm du lịch, góp thêm tiền cùng với sự hỗ trợ của chính quyền làm đường lát đá, đường bê tông trong thôn. Nhờ vậy, du khách biết đến bản Sì Thâu Chải ngày càng nhiều”. Anh Nguyễn Phú Thiết, du khách sinh sống tại TP Lai Châu chia sẻ: “Từ đầu tháng 8 tới nay, tôi đã hai lần lên bản Sì Thâu Chải. Ở đây vô cùng thanh bình, không khí trong lành và cuộc sống dường như chậm lại...”.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Cao Trang Trọng, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Tam Đường cho biết: “Những năm gần đây, du lịch Tam Đường đã có sự phát triển mạnh mẽ. Theo thống kê sơ bộ năm 2023, lượng khách du lịch đến với huyện Tam Đường đạt hơn 380.000 lượt, tăng 220%, tổng thu từ du lịch đạt 142 tỷ đồng, tăng 224% so với năm 2020. Huyện Tam Đường xác định phát triển du lịch là một trong những chương trình trọng điểm trong phát triển kinh tế-xã hội của huyện. Để bảo đảm tính đồng bộ, đúng định hướng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, huyện đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, trong đó, Huyện ủy, HĐND huyện ban hành nghị quyết, đề án về phát triển du lịch, các chương trình, kế hoạch để triển khai thực hiện. Một trong những nhiệm vụ, giải pháp đang được huyện triển khai có hiệu quả là công tác bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống gắn với xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch. Qua công tác tuyên truyền, người dân các xã, bản trong huyện đã nhiệt tình hưởng ứng và chung tay, góp sức tham gia các hoạt động phát triển du lịch. Điều này được thể hiện rõ bằng những việc làm cụ thể như: Đầu tư cơ sở vật chất, cải tạo cảnh quan tạo không gian xanh-sạch-đẹp. Thời gian tới, để bảo tồn văn hóa các dân tộc gắn với phát triển du lịch, chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, đề cao vai trò của cấp ủy các cấp trong triển khai thực hiện, tập trung hoàn thiện hệ thống quy hoạch, chiến lược phát triển các điểm du lịch, đẩy mạnh công tác phát triển du lịch theo hướng nhanh, mạnh, bền vững”.

Bài và ảnh: Hồng Thịnh - Trang Hà

Báo Quân đội Nhân dân - qdnd.vn - Đăng ngày 20/8/2024