Vĩnh Long lần đầu tổ chức Festival Gạch gốm đỏ
Cập nhật: 30/10/2024
Festival Gạch Gốm Đỏ - Kinh tế Xanh tỉnh Vĩnh Long lần I năm 2024 diễn ra từ ngày 16 - 22/11. Đây dịp để Vĩnh Long giới thiệu với du khách gần xa về làng nghề gạch gốm đỏ - một điểm đến du lịch an toàn, hấp dẫn và giàu bản sắc văn hóa.

Thông tin tại cuộc họp báo quý III vào chiều ngày 28/10, ông Phan Văn Giàu - Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Vĩnh Long cho biết, đây là lần đầu tiên, tỉnh Vĩnh Long tổ chức Festival tập trung vào hai nội dung chính là Gạch gốm đỏ và Kinh tế Xanh.

Theo đó, dự kiến khai mạc vào ngày 16/11 và bế mạc ngày 22/11 hoặc 23/11 với quy mô tổ chức cấp khu vực ĐBSCL. Bên cạnh đó, Ban tổ chức cũng mở rộng mời TP Hồ Chí Minh, một số tỉnh thành khu vực miền Trung, miền Bắc tham gia.

Làng nghề truyền thống gốm đỏ Vĩnh Long.

Festival Gạch gốm đỏ - Kinh tế Xanh tỉnh Vĩnh Long bao gồm các hoạt động như: Khu hội chợ, triển lãm Công Thương, Nông nghiệp, Du lịch với quy mô 700-800 gian hàng; hoạt động tái hiện trên bến dưới thuyền; tổ chức công diễn và xác lập kỷ lục Việt Nam 102 món ăn từ tàu hũ ky và dùng kèm tàu hũ ky đầu tiên tại Việt Nam; không gian trưng bày, quảng bá xúc tiến du lịch; không gian trải nghiệm tìm hiểu làng nghề sản xuất gạch, gốm, văn hóa đặc trưng “Đất và người Vĩnh Long”...

Festival Gạch Gốm Đỏ - Kinh tế Xanh tỉnh Vĩnh Long lần I năm 2024 là dịp để Vĩnh Long giới thiệu với du khách gần xa về làng nghề gạch gốm đỏ - một điểm đến du lịch an toàn, hấp dẫn và giàu bản sắc văn hóa; xúc tiến phát triển du lịch, mang tính liên kết vùng, tìm kiếm cơ hội lan tỏa đến các thị trường trong và ngoài nước. Sự kiện còn là dịp để địa phương giới thiệu những thành tựu và tiềm năng, thế mạnh trên các lĩnh vực khác, góp phần thu hút đầu tư để phát triển kinh tế - xã hội.

Vĩnh Long tự hào với danh xưng “Thủ phủ lò gạch”, “Vương quốc gốm đỏ” với những làng nghề gạch, gốm thủ công truyền thống lớn nhất khu vực ĐBSCL.

Nhằm bảo tồn và phát huy giá trị các làng nghề truyền thống, hiện nay Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đang tham mưu UBND tỉnh xây dựng Đề án di sản đương đại Mang Thít. Qua đó, bảo tồn làng nghề có truyền thống trên 100 năm, giữ lại cái nôi vốn có gạch gốm của vùng đất Vĩnh Long và mong muốn từ một làng nghề truyền thống, sẽ nhanh chóng trở thành một địa điểm du lịch hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.

 

Báo Kinh tế đô thị - kinhtedothi.vn - Đăng ngày 29/10/2024