Hàng chục nghìn lượt du khách trong nước và quốc tế đổ về phố cổ Hội An (Quảng Nam) dịp rằm tháng Giêng để thưởng ngoạn buổi bế mạc Hội thi đèn lồng truyền thống đầu xuân.
|
Đèn lồng đủ màu sắc, kích cỡ tỏa ánh sáng lung linh trên khắp các tuyến phố cổ ở Hội An |
Dịp này, hàng triệu đèn lồng được thắp sáng trên khắp các nẻo đường dẫn vào phố cổ và dọc hai bên bờ sông Hoài thơ mộng của phố cổ Hội An. Từng đoàn du khách nước ngoài đạp xe vòng quanh phố cổ thanh bình, say mê trước những chiếc đèn lồng độc đáo của đô thị cổ. Linh vật cầm tinh năm con hổ, chùa Cầu, biểu tượng phố cổ Hội An, đèn kéo quân, đèn cá chép, đèn hoa hồng, chùm khế ngọt và di sản phố cổ... rực rỡ khắp phố phường.
Thư thả tản bộ trên các tuyến đường phố cổ Hội An, anh Hà Văn Nguyên (TP HCM) cho hay, năm nào cũng vậy, mỗi dịp Tết Nguyên tiêu anh đều cố gắng thu xếp đưa gia đình du lịch ở phố cổ Hội An. Cuộc sống nơi đây thật yên bình, nhất là vào đêm rằm, khung cảnh mọi người thả hoa đăng trên sông Hoài, đèn lồng thắp sáng khắp nơi mê hoặc lòng người.
Đêm rằm Nguyên tiêu, dọc hai bên bờ sông Hoài, các bạn trẻ và du khách say sưa chụp ảnh bên những chiếc đèn lồng tỏa sáng lung linh muôn sắc màu. Tết Nguyên tiêu cũng là cơ hội làm ăn tốt nhất trong năm của cư dân ở phố cổ. Trong dịp này, giá phòng ở hầu hết khách sạn, nhà nghỉ tại phố cổ Hội An đều có chiều hướng gia tăng, từ 30 đến 50% so với ngày thường.
Dịch vụ bán đèn lồng và hoa đăng cũng trở nên sôi động hơn bao giờ hết. Trung bình mỗi cơ sở sản xuất đèn lồng ở phố cổ Hội An tiêu thụ khoảng 300 đèn lồng mỗi ngày.
Theo anh Nguyễn Văn Hưng – chủ một kiốt bán đèn lồng ở phố cổ Hội An, trong hai tuần diễn ra Hội thi đèn lồng, gia đình anh đã bán cho du khách gần 1.500 chiếc đèn lồng lớn nhỏ. Công việc bán hàng trong những ngày này tuy vất vả nhưng gia đình anh rất vui và hạnh phúc khi có nhiều du khách, nhất là du khách nước ngoài thích thú với đèn lồng truyền thống ở Hội An.
Theo một nữ du khách Hàn Quốc, đây là lần đầu tiên chị đặt chân đến Hội An. Chị thực sự thích thú khi được du ngoạn trong bầu không gian tĩnh lặng, được tản bộ trên phố đèn lồng thơ mộng và ngồi trên chiếc ghe ngắm sông Hoài lấp lánh ánh đèn lồng trong đêm trăng. "Có thể tôi sẽ còn trở lại phố cổ này nhiều lần nữa...”, chị nói.
Không chỉ có lễ hội đèn lồng, vào dịp này Hội An còn có sân chơi đậm nét văn hóa dân gian, du khách được thưởng thức những làn điệu dân ca hát đối đáp, hát bài chòi - sản phẩm tinh thần mang đậm sắc thái văn hóa biển miền Trung. Anna và Rosa (Hà Lan) lần đầu tiên đến du lịch ở Hội An lấy làm lạ về không gian văn hóa ở phố cổ này: “Thật ấn tượng khi đặt chân đến đây, đường nhỏ lung linh đèn lồng cổ kính, sân chơi truyền thống hát bài chòi khiến tôi bị bất ngờ xen lẫn thú vị”.
Phó chủ tịch UBND Hội An Trương Văn Bay cho biết, năm tới, thành phố sẽ tổ chức lễ hội đèn lồng lần thứ ba có quy mô lớn nhằm tạo thương hiệu cho đèn lồng Hội An. Bên cạnh việc thu hút du khách đến thưởng ngoạn đèn lồng, thành phố sẽ tiếp tục quảng bá sản phẩm đèn lồng theo định hướng xuất khẩu sang các nước bạn.
Theo kế hoạch của UBND Hội An, vào giữa cuối tháng 3 tới, địa phương sẽ tổ chức chương trình “ Tuần lễ văn hóa - du lịch Hội An - Thành phố anh hùng chào mừng 35 năm giải phóng Hội An” (3/1975- 3/2010). Đây cũng là dịp thu hút khách trong nước và quốc tế đến tham quan trong không gian “Huyền diệu trăng phố cổ” trên sông Hoài, đêm gala “Giai điệu thời gian”. Du khách cũng sẽ tham gia sân chơi ngày hội làng chài: thi lắc thúng chai, đua thuyền ngang, thi đan lưới, trò chơi miền biển, thưởng thức dân ca bài chòi, du thuyền trên sông Hoài thả hoa đăng...