Được sự đồng ý của Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, Khu di tích khảo cổ học Hoàng Thành Thăng Long sẽ được trưng bày giới thiệu trong dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Khu di tích Hoàng thành Thăng Long bao gồm Khu di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu và Thành cổ Hà Nội, với diện tích hơn 18.000m2.
Trong 5 năm qua với các cuộc khai quật tại 18 Hoàng Diệu đã phát lộ một quần thể di tích gồm nhiều loại hình kiến trúc dưới lòng đất, chứng minh sự hiện hữu lịch sử lâu dài của kinh đô Thăng Long qua gần 1.300 năm, trải từ thời tiền Thăng Long (thế kỷ thứ VII-IX), qua thời Đinh- tiền Lê (thế kỷ X), đến thời kỳ Thăng Long-Hà Nội, với các vương triều Lý- Trần- Lê- Nguyễn (từ năm 1010 đến đầu thế kỷ XX).
Giá trị này đã được khẳng định trong hồ sơ mà UBND thành phố Hà Nội đã gửi tới UNESCO đề nghị công nhận Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long- Hà Nội là Di sản Văn hoá thế giới.
Những di vật ở di chỉ khảo cổ học Hoàng thành Thăng Long- Hà Nội tại 18 Hoàng Diệu còn cho thấy Thăng Long- Hà Nội vừa là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hoá trong thời gian dài hơn nghìn năm, vừa là nơi tiếp xúc, tiếp thu những tư tưởng văn hoá của các vùng, các quốc gia có nền văn minh lớn như: Ấn Độ, Trung Quốc và vùng Đông Nam Á, chứng tỏ mối quan hệ, sự giao lưu kinh tế, văn hoá của Thăng Long với các nước trong khu vực và thế giới trong lịch sử.
Vì vậy, việc bảo vệ tốt các di tích, di vật dưới lòng đất, phục vụ công tác nghiên cứu, đồng thời tổ chức tốt việc trưng bày một phần hiện vật tiêu biểu, sẽ giúp cho công chúng trong và ngoài nước hình dung đầy đủ hơn về diện mạo của Hoàng thành Thăng Long- Hà Nội. Đây là những việc làm có ý nghĩa đúng dịp nhân dân Hà Nội và cả nước có nhiều hoạt động kỷ niệm Thủ đô tròn 1000 năm tuổi.