Với những vẻ đẹp phong phú, tiềm ẩn nhiều giá trị văn hoá, du lịch, vài năm trở lại đây, Hà Giang luôn là địa chỉ hấp dẫn thu hút đông đảo khách du lịch.
|
Du khách tham quan thác Ngọn Gió (Xín Mần - Hà Giang) |
Theo thống kê, lượng khách đến Hà Giang ngày càng tăng lên qua các năm với số lượng rất lớn. Hiệu ứng từ việc quảng bá các hình ảnh về tự nhiên, con người và một vùng đất chứa đựng nhiều điều mới mẻ đã và đang được tạo ra một cách hiệu quả. Hàng năm, nhân dịp đầu Xuân, Hà Giang cũng đã tổ chức buổi gặp mặt với các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành tại Hà Nội, các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương nhằm thúc đẩy quảng bá về hình ảnh Hà Giang. Đặc biệt, việc chúng ta đang tập trung cho mục tiêu xây dựng Cao nguyên đá Đồng Văn trở thành Công viên Địa chất đầu tiên ở Việt Nam là một dấu hiệu tích cực, giống như đòn bẩy kích thích ngành Du lịch tỉnh nhà có bước phát triển mới.
Với hệ thống cơ sở dịch vụ du lịch ngày càng phát triển mạnh, cùng với sự quan tâm, đầu tư của tỉnh, đã có những dự án phát triển du lịch quy mô và bước đầu đã có những khu du lịch sinh thái, cộng đồng ra đời, đang bước vào hoạt động như: khu du lịch sinh thái Panhou, Nậm An, Thạch Lâm Viên, Trường Xuân… Trên cơ sở đó, qua 2 tháng đầu của năm Canh Dần, theo thống kê chưa đầy đủ, với những ngày nghỉ dài, đã có 60.889 lượt khách du lịch đến với Hà Giang, so với cùng kỳ năm trước, lượng khách tăng trên 44.300 lượt người, trong đó, khách nội địa đạt 53.000 lượt người, khách quốc tế đạt 7.889 lượt người. Doanh thu từ du lịch ước đạt 59,4 tỷ đồng, tăng 46 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.
|
Một góc di tích Quốc gia danh lam thắng cảnh Mã Pì Lèng |
Các điểm du lịch thu hút được đông đảo khách đến tham quan chủ yếu là các điểm du lịch tại 4 huyện vùng cao phía bắc như: Cột Cờ Lũng Cú, Phố Cổ Đồng Văn, Cổng trời Quản Bạ, đỉnh Mã Pì Lèng, Nhà Vương…. Các địa điểm thu hút khách ở 2 huyện phía tây là các làng văn hoá du lịch của người Dao, Mông, làng du lịch Panhou…
Từ thực tế cho thấy, khách du lịch đã và đang tìm đến những địa danh được quảng bá mạnh, đặc biệt là Cao nguyên đá Đồng Văn, nơi đang được quy hoạch xây dựng Công viên Địa chất đầu tiên của nước ta. Có thể nói, đây là một vùng chứa đựng những giá trị hết sức độc đáo của tự nhiên, địa chất, nhiều giá trị văn hoá cộng đồng còn được bảo lưu… Vì thế, để có sự phát triển bền vững, song song với việc quảng bá, xúc tiến du lịch, chúng ta cũng cần phải đẩy mạnh việc bảo tồn, phát huy các giá trị của tự nhiên, xã hội vốn có. Đặc biệt, tỉnh và các địa phương thuộc 4 huyện vùng cao núi đá phía bắc cần tiến hành kiểm tra, xem xét và sắp xếp lại hoạt động khai thác đá xây dựng hiện nay nhằm đảm bảo cho lộ trình xây dựng Công viên Địa chất.