Diễn ra trong 2 ngày 27 và 28/3/2010, đúng vào dịp kỷ niệm 35 năm ngày giải phóng thành phố Đà Nẵng và hướng đến Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội, cuộc thi có sự tham gia của các đội đến từ các quốc gia: Mỹ, Nhật Bản, Pháp, Bồ Đào Nha và đội chủ nhà Đà Nẵng (Việt Nam).
Ngay từ chiều 27/3, hàng vạn du khách có vé đã đổ về phía khán đài chính nằm trên đường Trần Hưng Đạo, quận Sơn Trà (bên kia sông Hàn) để tìm cho mình một chỗ ngồi lý tưởng trên khán đài với sức chứa 26.000 người. Dọc hai bờ sông Hàn, những du khách không có vé đã tìm cho mình một chỗ để theo dõi đêm hội.
Bầu trời Đà Nẵng rực sáng lúc 20:30 khi cuộc thi chính thức bắt đầu. Mở đầu là màn trình diễn của đội pháo hoa Glupo Luso Pirotecnia, Bồ Đào Nha với chủ đề “Rồng và lửa - nơi truyền thuyết khai sinh” dài 20 phút.
Nhiều loại pháo khác nhau được sử dụng trong buổi biểu diễn, từ những hình đơn giản như sao chổi đến các hình phức tạp và truyền thống được kết hợp theo những góc độ và bố cục khác nhau, các hiệu ứng cũng được lựa chọn phù hợp với không khí lễ hội và giai điệu nhạc.
Màn biểu diễn còn sử dụng các hiệu ứng tĩnh như thác nước hay pháo sáng để tạo ra một điểm nhấn trong những thời điểm quan trọng. Các hiệu ứng màu sắc phong phú với các gam màu chủ đạo gồm xanh, đỏ, vàng pha trộn lại thành tím và xanh kết hợp với nền nhạc giúp người xem cảm nhận, nghe và chiêm ngưỡng hình ảnh rồng tiên một lần nữa dựng nên huyền thoại trên nền bài hát được chọn lọc gồm "Làng tôi" (Đàn Bầu – Làng tôi, Đức Thanh), "Groliana" (Eton Path, Comer Stone Cues), "Rising Empire" (Abbey Road, Immediate Music), "Now we are free" (Gladiator, Lisa Gerrard), "My name is Lycon" (The Island, Steve Jablonsky), "Final Fright" (Orchestral Serries, Tom Santas), "Preliator" (Epicon, Globus)....
Tiếp đến là màn trình diễn của Đội pháo hoa Tamaya Kitahara-Nhật Bản dài 24 phút 30 giây trên nền nhạc và ánh sáng lung linh từ pháo hoa tô điểm rực rỡ bầu trời đêm sông Hàn.
Sử dụng các loại pháo mang phong cách hiện đại lẫn truyền thống gồm pháo vàng, pháo hiệu ứng hình tròn, hiệu ứng ngôi sao, hiệu ứng nổ và hiệu ứng nhụy hoa, màn trình diễn thể hiện các hình ảnh rồng vàng bay cao trên bầu trời, rồng đẻ trứng, núi Ngũ Hành (với 5 ngọn Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ), thành phố cảng sôi động, tiên nữ, khởi đầu mới, thành phố lịch sử đã đưa người xem trải qua nhiều cảm xúc khác nhau với những bản nhạc "The Jupiter" (Holst), "A Fifth of Beethoven" (Walten Murphy), "The Human Nature" (Michael Jackson), "Only one Flower in the World, The Bird of Fire" (Stravinsky), "The Sugar Plum" (Tchaikovsky), "Ponka-Golden Year" (Shostagovich), "Great River – The Yukyu" (Togi & Bao), "In memory of NY" (Hiromitsu Agatsuma), "The Gayane" (Khachaturian). Sông Hàn rực sáng bởi pháo hoa và vang dội trong nền nhạc tuyệt vời của màn trình diễn.
Đội chủ nhà Đà Nẵng-Việt Nam đã trình diễn một màn pháo hoa ngoạn mục, kết hợp với nền nhạc tự biên của những nhạc sỹ nổi tiếng của thành phố đã để lại trong lòng người xem trong và ngoài nước những ấn tượng sâu sắc.
Màn trình diễn chào mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội và 35 năm ngày giải phóng thành phố gồm 5 phần: Nơi rồng về khai hoa; Sông Hàn thanh xuân; Sông Hàn nỗi đau chiến tranh; Sông Hàn dậy sóng; Sông Hàn tình yêu và khát vọng. Nhịp điệu cuộc sống của thành phố Đà Nẵng rộng mở, nồng nàn và đầy khát vọng. Một thành phố trẻ trung, năng động, đầy sức sống, đang vươn tới tương lai tươi sáng. Đà Nẵng dang rộng vòng tay thân thiện và nồng nhiệt chào đón bạn bè gần xa về với sông Hàn huyền thoại, về với những sắc màu quyến rũ của ngày hội pháo hoa 2010.
Đêm 28/3/2010, Cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế 2010 tiếp tục với phần thi đấu của hai đội còn lại là Mỹ và Pháp.
Vào lúc 20:20, đội Pyrotecnico - Hoa Kỳ đã mang đến cuộc thi “Những bản nhạc tình yêu theo thể loại Rock n" Roll” trong vòng 24 phút 8 giây”.
Màn trình diễn được mở đầu với bản nhạc “Giai điệu sông Hàn”, lồng một bài phát biểu ngắn về con người Việt Nam, về dòng sông Hàn và dòng sông này đã mang lại sự thống nhất và hạnh phúc cho nhân dân Đà Nẵng như thế nào cũng như nhạc Rock n’ Roll mang lại sự thống nhất và hạnh phúc cho mọi người trên toàn thế giới”, đội Pyrotecnico (Hoa Kỳ) tự tin giới thiệu về màn trình diễn của mình.
“Huyền thoại tiên Âu Cơ và Rồng Vàng” là chủ đề màn trình diễn của đội Jacques Couturier Organisation (Pháp). Kéo dài 20 phút 30 giây, đây là câu chuyện kể về nàng tiên Âu Cơ xuống hạ giới và không thể trở về thiên đình. Nàng buồn khóc và nước mắt của nàng tuôn chảy thành dòng sông Hàn.
Rồi một ngày, tình cờ nàng gặp một chàng hoàng tử đẹp trai, nàng không còn cảm thấy cô đơn nữa. Một chuyện tình lãng mạn được khắc họa tinh xảo thông qua bức tranh pháo hoa đầy màu sắc trên nền nhạc du dương, mang lại sự thích thú cho khán giả và thổn thức trái tim bao người…
Pháo hoa được đội Pháp sử dụng có 2 chức năng chính là tường thuật và thể hiện tình cảm. Đôi khi, nó cũng được dùng để minh họa cho câu chuyện. Ví dụ khi đến cảnh nước mắt Âu Cơ chảy thành một dòng sông đổ ra biển lớn thì lúc này pháo hoa là để thể hiện cảm xúc của nàng tiên: niềm vui khi được xuống trần gian, nỗi buồn khi sống trong cô đơn, tình yêu và nụ cười dành cho hoàng tử Lạc Long Quân. Buổi biểu diễn không chỉ mang lại sự thích thú trong từng ánh mắt mà còn mang lại sự hồi hộp cho khán giả.
Với phần trình diễn đặc sắc của mình, đội Pháp đã đoạt giải nhất Cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2010; đội Mỹ đoạt giải nhì, giải ba thuộc về các đội Bồ Đào Nha, Nhật Bản và chủ nhà Đà Nẵng - Việt Nam.
Một số hình ảnh: