Biến Mộc Châu thành Đà Lạt ở Tây Bắc
Cập nhật: 12/04/2010
Xây dựng Mộc Châu (Sơn La) trở thành khu du lịch quốc gia, là thành phố Đà Lạt thứ 2 ở Tây Bắc Việt Nam - đó là tham vọng của Ban quản lý Khu du lịch Mộc Châu. Nhiều nhà đầu tư du lịch và chuyên gia du lịch cũng cho rằng, Mộc Châu sẽ phát triển chẳng kém gì các khu du lịch trọng điểm của Việt Nam hiện nay nếu biết làm thương hiệu.

Mộc Châu – điểm du lịch không thua kém so với Đà Lạt


Vừa qua, Ban quản lý Khu du lịch Mộc Châu đã tiến hành trên 10 đợt khảo sát về tài nguyên du lịch Mộc Châu với sự tham gia của nhiều chuyên gia trong và ngoài nước. Tất cả đều nhận định: Cao nguyên Mộc Châu có đủ điều kiện để phát triển một Khu du lịch quốc gia, xây dựng một thành phố Đà Lạt thứ 2 ở Tây Bắc.

So với Đà Lạt, Mộc Châu có nhiều lợi thế hơn: về khí hậu, Mộc Châu có khí hậu tương tự Đà Lạt; về giao thông, từ Hà Nội lên Mộc Châu gần hơn từ TP.HCM lên Đà Lạt; về địa hình và cảnh quan, Mộc Châu có vị thế rộng và đẹp hơn so với Đà Lạt với nhiều hang động, rừng nguyên sinh, bản làng dân tộc...

Mộc Châu cũng có nhiều tài nguyên du lịch hơn, có thể phát triển nhiều loại hình du lịch: du lịch sinh thái (dạo chơi trên các triền núi, đồng cỏ, đồi chè, vườn cây ăn quả, các khu trồng rau hoa xuất khẩu, nghiên cứu các khu rừng sinh thái, các hang động, thác nước), du lịch tham quan lòng hồ sông Đà, du lịch dưỡng bệnh với các suối nước nóng, các thảo dược trồng ở thảo nguyên, du lịch cộng đồng, thưởng thức văn hóa và lễ hội của đồng bào các dân tộc Thái, Mông, Mường, Dao...

Hơn nữa, quỹ đất dành cho phát triển du lịch của Mộc Châu còn khá lớn, các tài nguyên du lịch còn nguyên sơ, rất hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Mộc Châu lại là tuyến du lịch mở, có thể nối tuyến với các tỉnh phía bắc của Lào, lên Điện Biên - Lai Châu, sang Lào Cai và Vân Nam (Trung Quốc). Bên cạnh đó, Mộc Châu có nhiều điều kiện để phát triển du lịch cả bốn mùa, đặc biệt là trong mùa đông trong khi nhiều tỉnh khác ở phía bắc bị hạn chế về điều này. Trước và sau Tết Nguyên đán, khi các điểm du lịch khác ở phía bắc Việt Nam chủ yếu chỉ có du lịch tâm linh, lễ hội thì Mộc Châu vẫn thu hút rất đông du khách vì có hoa đào, hoa mơ, hoa mận và hoa ban....

Tuy nhiên, Mộc Châu cũng có những hạn chế so với Đà Lạt, điển hình như: không có thương hiệu bằng Đà Lạt; hạ tầng du lịch của Mộc Châu kém hơn so với Đà Lạt vì hạ tầng du lịch ở Đà Lạt đã có “thâm niên” phát triển từ thời Pháp. Bên cạnh đó, trong khi Đà Lạt đã đứng vững trên bản đồ du lịch Việt Nam thì Mộc Châu lại chưa hình thành các tour, tuyến du lịch trong và ngoài nước với sự tham gia của các công ty du lịch có danh tiếng; chưa xây dựng được quy hoạch tổng thể và quy hoạch chi tiết.

Hiện nay, Ban quản lý Khu du lịch Mộc Châu đã cùng Viện Nghiên cứu và phát triển du lịch hoàn thành khảo sát, lập quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Mộc Châu đến năm 2020. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Trung du miền núi Bắc Bộ đến năm 2020, trong đó, Khu du lịch Mộc Châu đã được xếp vào Khu du lịch quốc gia và đưa vào danh mục dự án ưu tiên đầu tư giai đoạn 2008 - 2015.

Thiên đường du lịch xanh

Theo quy hoạch, Khu du lịch quốc gia Mộc Châu nằm trên địa bàn huyện Mộc Châu có quy mô 1.943 ha, theo đó, nhu cầu vốn cho các dự án ưu tiên là 512 triệu USD.

Khu trung tâm du lịch sinh thái Mộc Châu đã có quy hoạch chi tiết và đang đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng với nhiều khu, phân khu chức năng với các sản phẩm du lịch như: du lịch sinh thái, nghỉ mát, nghỉ dưỡng cuối tuần, vui chơi giải trí hiện đại, du lịch văn hóa lễ hội, ẩm thực, vườn hoa du lịch... Khu trung tâm vui chơi giải trí cao cấp Mộc Châu với các sản phẩm du lịch lễ hội, hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch, các di tích lịch sử, cảnh quan thiên nhiên, khu vui chơi giải trí, trung tâm mua sắm.

Trung tâm nghỉ dưỡng cao cấp Mộc Châu với các sản phẩm du lịch như: lễ hội, hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch, huấn luyện thể thao đa năng, khu dưỡng bệnh và các vườn cây thuốc, khu rừng du lịch, các điểm tham quan, các khu vui chơi giải trí... Ngoài ra còn có các khu du lịch sinh thái Chiềng Yên, Tân Lập, Rừng thông bản Áng, cửa khẩu Loóng Sập, thác Dải Yếm, khu bản văn hóa dân tộc Thái, Mường, Mông, Dao...

Ban quản lý Khu du lịch Mộc Châu đã và đang triển khai quảng bá, thu hút đầu tư theo 4 chủ đề: xây dựng Mộc Châu trở thành khu du lịch quốc gia, Cao nguyên Mộc Châu - thiên đường du lịch xanh, Khu du lịch Mộc Châu - vùng đất an lành và linh thiêng, Khu du lịch quốc gia Mộc Châu - tiềm năng và cơ hội đầu tư, phát triển.

Bên cạnh đó, Ban quản lý cũng đang cố gắng hoàn thiện sớm, trình Chính phủ quyết định phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Mộc Châu và chính thức đưa vào Chương trình mục tiêu quốc gia từ năm 2010. Hoàn thiện cơ chế, tạo nguồn vốn, giải quyết dứt điểm vấn đề giải phóng mặt bằng, thu hút đầu tư xây dựng và phát triển Khu du lịch quốc gia Mộc Châu. Ban hành đơn giá thuê đất tại khu trung tâm du lịch Mộc Châu và khu du lịch quốc gia Mộc Châu. Kiến nghị Chính phủ đầu tư nâng cấp mở rộng sân bay Nà Sản phục vụ cho việc kết nối trực tiếp với các thị trường lớn ở Việt Nam và qua đó với thị trường nước ngoài để đón khách du lịch trực tiếp đến Mộc Châu...

Theo số liệu thống kê, Hàng năm, Mộc Châu đón khoảng 200.000 - 300.000 lượt khách, trong đó khách quốc tế chiếm từ 5 - 10% trong tổng số khách. Khách du lịch đến Mộc Châu chủ yếu là kết hợp với các mục đích như: du lịch, thương mại. Theo ước tính, thu nhập xã hội từ hoạt động du lịch của Mộc Châu hàng năm đạt từ 80 - 90 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng từ 1- 3% trong GDP của huyện Mộc Châu.
Báo Văn hóa