34 bản tham luận cùng hàng chục ý kiến đóng góp trực tiếp đã hé mở ra những lời giải cho con đường phát triển du lịch Thái Nguyên tại hội thảo “Du lịch Thái Nguyên trong sự kết nối với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh Việt Bắc- Điểm đến Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam” vừa diễn ra tại Thái Nguyên.
Sự có mặt của đông đủ các đại diện Tổng cục Du lịch, Cục Di sản văn hoá, Vụ Đào tạo, Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch); đại diện các tỉnh Việt Bắc và Hà Nội cùng một số công ty lữ hành cho thấy du lịch Thái Nguyên đang thu hút được nhiều sự quan tâm và nhu cầu liên kết để phát triển du lịch giữa Hà Nội và các tỉnh Việt Bắc đang trở nên cấp thiết. Một thông tin đáng mừng được chia sẻ tại hội thảo là Thái Nguyên đã quyết định thuê công ty tư vấn nước ngoài để quy hoạch hồ Núi Cốc và vùng phụ cận để phát triển du lịch.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch đánh giá, đây là một sự lựa chọn có tầm nhìn của Thái Nguyên trong việc phát triển du lịch. “Tuy nhiên, từ việc quy hoạch đến kiểm soát được quy hoạch thì vẫn là một câu chuyện dài mà Thái Nguyên nên rút kinh nghiệm từ nhiều địa phương khác”- ông Tuấn nhấn mạnh.
Khác biệt để liên kết
Các đại biểu tham gia hội thảo đều cho rằng, Thái Nguyên là địa phương hội tụ được nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, nhưng vẫn còn một khoảng cách rất lớn giữa tiềm năng và hiệu quả thực tế. Vấn đề đặt ra cho Thái Nguyên lúc này là phải xây dựng được hướng đi phù hợp với thực tế địa phương.
Một số đại biểu cho rằng du lịch Thái Nguyên vẫn còn bỏ phí khá nhiều điểm nhấn độc đáo trên địa bàn. Một trong những điểm nhấn được nhắc đến là Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam nằm giữa trung tâm thành phố. Theo tiến sĩ Lê Thị Minh Lý, Phó cục trưởng Cục Di sản văn hoá (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam là một công trình được chú trọng đầu tư về nhiều mặt và hoàn toàn có thể trở thành một điểm đến hấp dẫn đối với khách du lịch.
Tuy nhiên, bảo tàng đang đứng trước nhiều hạn chế trong việc phát triển công chúng, công tác lễ tân, chăm sóc và đáp ứng nhu cầu tìm hiểu đa dạng của khách tham quan. “Gian bán đồ lưu niệm của bảo tàng (Museum shop)- một trong những điểm quan trọng để đáp ứng nhu cầu của khách tham quan lại chưa được chú ý.
Hàng hoá trong Museum shop phải mang ý nghĩ văn hoá sâu sắc, có bản sắc của bảo tàng. Giá trị quảng bá của những vật lưu niệm này đôi khi vượt xa cả sự mong đợi của chúng ta khi nó theo chân khách du lịch trở về quê hương”.
Ông Mai Tiến Dũng, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội cũng cho rằng, để hấp dẫn được du khách, Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam cần phải hoàn thiện từ những khâu nhỏ nhất, không chỉ ở nội dung trưng bày: “Chúng ta không thể làm du lịch nếu như những khâu phục vụ nhu cầu cá nhân tối thiểu của du khách cũng không đủ tiêu chuẩn du lịch”.
Liên kết với Hà Nội và các tỉnh Việt Bắc được xem là hướng đi cần thiết đối với sự phát triển của du lịch Thái Nguyên. Các tỉnh Việt Bắc có khá nhiều điểm tương đồng về văn hoá, cảnh quan, trong khi để hấp dẫn được du khách thì các tour, tuyến du lịch lại phải khoe được sự phong phú, khác biệt của từng địa phương.
Một phương án được rất nhiều đại biểu nhắc đến là Thái Nguyên và các tỉnh trong vùng Việt Bắc phải xây dựng được các sản phẩm du lịch mang đặc trưng riêng.
Ông Trần Văn Khai - PGĐ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phú Thọ cho rằng: “Nên dựa trên thế mạnh nổi trội từng tỉnh để xác định các khu, điểm du lịch trọng điểm, từ đó sẽ phối hợp các loại hình du lịch trên các tuyến để tạo ra sản phẩm du lịch đặc trưng thu hút khách”.
Các tour, tuyến du lịch được ông Khai gợi ý để liên kết là: Hành trình theo lịch sử dân tộc: Đền Hùng - Bảo tàng Hùng Vương - ATK Định Hoá - Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam; Khám phá hồ, đầm trên núi: Hồ Thác Bà - đầm Ao Châu - hồ Đại Lải - hồ Núi Cốc - hồ Ba Bể; Khám phá hang động: Hang Lạng - Chùa Hang - hang Phượng Hoàng, suối Mỏ Gà - động Tam Thanh, Nhị Thanh...
Ngoài việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá bản địa, ông Đào Duy Đức, PGĐ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Kạn nhấn mạnh đến việc chia sẻ lợi ích đối với nhân dân các địa phương trong quá trình liên kết du lịch.
Không nên quá lạc quan?
Đó là phát biểu khá thẳng thắn của ông Nguyễn Văn Tuấn tại hội thảo: “Chúng ta đánh giá cao tiềm năng phát triển du lịch của Thái Nguyên nhưng cũng không nên lạc quan quá- điều mà tôi đã nhận thấy trong suy nghĩ của một số người làm du lịch Thái Nguyên.
Đành rằng Thái Nguyên có Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam trên địa bàn, có hồ Núi Cốc, có ATK... nhưng chúng ta cũng cần phải nhìn sang các tỉnh bạn. Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam sẽ phát huy thế mạnh ra sao khi phải đặt trong sự so sánh với 2 “người bạn” là Làng Văn hoá các dân tộc Việt Nam và Bảo tàng Dân tộc học tại Hà Nội? Hồ Núi Cốc sẽ phải cạnh tranh thế nào với hồ Thác Bà, hồ Ba Bể?”. Ông Tuấn cũng cho rằng, du lịch Thái Nguyên nên nhắm tới thị trường khách nội địa, khách quốc tế có thể là mục tiêu của tương lai xa.
Ông Lưu Nhân Vinh, TGĐ Công ty Du lịch Việt Nam tại Hà Nội gợi ý, Thái Nguyên nên phát triển hình thức du lịch nghỉ dưỡng cuối tuần cho các gia đình; hình thức cắm trại cho học sinh - sinh viên; phát triển du lịch về nguồn, tìm hiểu truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ...
Ông Nguyễn Phú Đức, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng cho rằng, Thái Nguyên nên tập trung xây dựng một sự kiện du lịch thường niên để quảng bá cho đặc sản chè. “Huế có điểm nhấn là Festival Huế; Quảng Trị có Lễ hội thống nhất non sông, Đà Lạt có Festival hoa... Không có lý do gì Thái Nguyên lại không thể làm một lễ hội văn hoá trà để thu hút khách du lịch”.
Dù chỉ được tổ chức trong một buổi sáng nhưng hội thảo “Du lịch Thái Nguyên trong sự kết nối với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh Việt Bắc- Điểm đến Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam” đã hé mở được nhiều hướng đi tích cực cho du lịch Thái Nguyên cũng như du lịch Việt Bắc. Tuy nhiên, điều mà các đại biểu băn khoăn là làm thế nào để những đóng góp này được triển khai trên thực tế chứ không phải chỉ dừng lại trên bàn hội thảo.