Festival Huế: Ấn tượng và hấp dẫn lễ tế Nam Giao
Cập nhật: 10/06/2010
Tối 9/6/2010, Lễ tế Nam Giao (Tế Giao) trong khuôn khổ Festival Huế 2010 đã diễn ra tại Đàn Nam Giao, thành phố Huế, trước sự chứng kiến của hàng vạn nhân dân quanh vùng và khách du lịch.

Nghi lễ Tế Giao bắt đầu trong không khí trang nghiêm, hoành tráng và xác thực hơn so với các kỳ Festival trước; mang đậm nét nhân văn độc đáo của vùng đất cố đô.

Lễ tế gồm hai phần: Lễ rước vua từ Trai Cung lên đàn tế và Lễ tế giao tại đàn tế.

Năm nay, lễ Tế Giao có khoảng 1.000 người tham gia với đầy đủ đạo cụ, phục trang, nghi trượng, cờ phướn cùng 1.000 chiếc đèn lồng thắp sáng quanh đàn tế, 1.000 bông sen trắng được dâng trên các án thờ.

Dưới triều Nguyễn, lễ Tế Giao (lễ tế Trời, Đất và các đấng thần linh) được xếp vào hàng Đại tự, quan trọng nhất và được tiến hành hoành tráng, trang trọng hàng năm.

Đàn Nam Giao được xây dựng ở phía Nam kinh thành Huế từ năm 1806. Đàn gồm 3 tầng, tầng trên hình tròn tượng trưng cho Trời, hai tầng dưới hình vuông tượng trưng cho Đất và con người.

Từ khi đàn tế được xây dựng xong cho đến cuối thế kỷ 19, hàng năm triều Nguyễn đều tổ chức Lễ tế Nam Giao vào mùa xuân; từ thời vua Thành Thái trở đi, do điều kiện kinh phí hạn hẹp nên cứ 3 năm triều đình mới tổ chức một lần.

Trong Lễ tế Giao, có thể đích thân nhà vua đứng chủ tế hoặc ủy thác cho quan khâm mệnh đại thần làm chủ tế. Sau năm 1945, di tích đàn Nam Giao bị bỏ hoang phế; môi trường cảnh quan bị xâm hại và tàn phá nghiêm trọng.

Đàn Nam Giao đã được trùng tu phục hồi và đã được tổ chức UNESCO ghi tên vào Danh mục di sản Thế giới từ năm 1993.

Lễ tế Nam Giao đã được nghiên cứu và phục dựng từng phần trong các kỳ Festival từ 2002 đến nay.
TTXVN/Vietnam+