Quảng Ninh: Những chuyển biến tích cực trên con đường hội nhập
Cập nhật: 12/07/2010
Trong những năm qua, du lịch Quảng Ninh đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ, cơ sở vật chất, hạ tầng được đầu tư, nhiều sản phẩm du lịch chất lượng cao được đưa vào sử dụng làm thay đổi lớn diện mạo lớn của ngành du lịch.

Có thể nói, du lịch Quảng Ninh đang ngày càng khẳng định là một ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, một trung tâm du lịch trọng điểm của quốc gia.

Nhìn lại chặng đường gần đây, nhất là giai đoạn từ năm 2001 đến nay, du lịch Quảng Ninh đã có những bước phát triển vượt bậc, cơ sở vật chất hạ tầng được đầu tư lớn. Tổng lượng khách du lịch liên tục tăng theo từng năm. Nếu như năm 2001, tổng lượng khách du lịch đến Quảng Ninh mới chỉ đạt con số hơn 1,9 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế chỉ đạt gần 700 lượt thì đến năm 2009, Quảng Ninh đã đón 4,8 triệu lượt khách du lịch, trong đó khách quốc tế đạt 2 triệu lượt, doanh thu đạt 2.800 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm nay, Quảng Ninh đã đón gần 4,6 triệu lượt khách du lịch đến tham quan, tăng gần 50 % so với cùng kỳ, trong đó khách quốc tế đạt 1 triệu lượt, doanh thu đạt 1.900 tỷ đồng. Hoạt động du lịch đã có tác động tích cực đến sự phát triển của ngành kinh tế dịch vụ, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động, giải quyết tốt các vấn đề xã hội. Từ năm 2001 đến nay, du lịch Quảng Ninh đã đưa vào sử dụng nhiều sản phẩm du lịch có chất lượng cao và độc đáo như: Các sản phẩm vui chơi giải trí của Khu du lịch quốc tế Tuần Châu, cáp treo Yên Tử, Công viên quốc tế Hoàng Gia, sân Golf Trà Cổ... Thêm vào đó, công tác đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch luôn được Tổng Cục Du lịch và tỉnh quan tâm, đẩy mạnh, nhiều dự án đầu tư về du lịch được triển khai. Gần đây nhất là một số dự án đầu tư hạ tầng du lịch được hoàn thành như: tuyến đường du lịch Dốc Đỏ - Yên Tử, đường cảng tàu du lịch Ngọc Vừng. Ngoài ra còn một số dự án lớn được tỉnh cấp phép đầu tư như: Dự án khu du lịch khách sạn 5 sao Bãi Cháy; dự án khu giải trí sân Golf và quần thể sinh thái Ao Tiên, Vân Đồn v.v.. Có thể nhận thấy công tác đầu tư phát triển du lịch có tốc độ tăng trưởng khá, đặc biệt là sự phát triển mạnh mẽ về số lượng cơ sở lưu trú và tàu du lịch. Nếu như năm 2001, trên địa bàn tỉnh có khoảng 253 cơ sở lưu trú với tổng số 3.600 phòng nghỉ, trong đó có 19 khách sạn được xếp hạng từ 1 đến 4 sao với 1.320 phòng, đến nay đã có khoảng 852 cơ sở lưu trú du lịch với 12.342 phòng, trong đó có 1 khách sạn 5 sao, 209 phòng và 77 khách sạn từ 1-2 sao với tổng số 4.670 phòng (chỉ tiêu Nghị quyết số 08/NQ-TU của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Quảng Ninh đề ra đến năm 2010 là 9.000 phòng, trong đó có 75 khách sạn xếp từ 1-4 sao). Dịch vụ lưu trú tàu nghỉ đêm trên Vịnh cũng phát triển khá nhanh, năm 2001, toàn tỉnh có 251 tàu vận chuyển khách thăm Vịnh với 8.084 chỗ đến nay đã tăng lên con số 475 tàu với 18.600 chỗ ngồi. Đáng chú ý, trong đó có 154 chiếc tàu nghỉ đêm trên Vịnh được đầu tư lớn với hơn 1.000 phòng đạt tiêu chuẩn chất lượng cao. Điều đáng nói, trong những năm gần đây, hầu hết các cơ sở lưu trú, tàu du lịch đều được đầu tư với quy mô lớn, công suất sử dụng buồng phòng cao. Sự phát triển này góp phần này quyết định đến việc nâng cao chất lượng dịch vụ, chất lượng tăng trưởng.

Một trong những thành công của du lịch Quảng Ninh trong những năm qua đó là việc đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong phát triển du lịch. Phát huy lợi thế của địa phương, Quảng Ninh đã không ngừng tăng cường hợp tác quốc tế về du lịch. Tỉnh và ngành du lịch đã ký kết nhiều thoả thuận hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh Quảng Tây, Vân Nam (Trung Quốc), Saint-Malo (Pháp), Udonthaini (Thái Lan), LuongPrabang (Lào) v.v.. Đặc biệt trong thời gian qua, hoạt động quảng bá xúc tiến cũng có những chuyển biến rõ nét, mang tính sáng tạo, chuyên nghiệp hơn. Quảng Ninh đang tập trung vào một số thị trường như: Đông Bắc Á (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc), các nước trong khu vực Đông Nam Á và thị trường nội địa; liên kết với các nước trong diễn đàn Du lịch Đông Á để cùng nhau phối hợp quảng bá hình ảnh và sản phẩm du lịch của các bên, đưa hình ảnh du lịch Quảng Ninh - Hạ Long đến với bạn bè trong nước và quốc tế. Đây chính là con đường mở rộng cánh cửa hợp tác quốc tế phát triển du lịch giữa Quảng Ninh với các nước trong khu vực.

Có được kết quả trên, trước hết phải nói đến sự phát huy nội lực của ngành du lịch Quảng Ninh trong những năm qua. Đặc biệt, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đã rất coi trọng đầu tư cho ngành du lịch thông qua công tác chỉ đạo, ban hành cơ chế chính sách phù hợp cho phát triển du lịch như: Nghị quyết số 08/NQ-TU của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về đổi mới, phát triển du lịch Quảng Ninh thời kỳ 2001-2010, Nghị quyết số 21/NQ-TU về đẩy mạnh phát triển ngành dịch vụ giai đoạn 2006-2015; Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Quảng Ninh giai đoạn 2006-2015, quyết định về quản lý các hoạt động du lịch trên Vịnh Hạ Long... Đồng thời, du lịch Quảng Ninh tranh thủ được sự quan tâm chỉ đạo, giúp đỡ của Chính phủ, sự phối hợp của các Bộ, ngành Trung ương trong định hướng phát triển từng thời kỳ, trong đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch... Đây chính là đòn bẩy, hành lang pháp lý cho du lịch Quảng Ninh phát triển. Tuy nhiên, bên cạnh những cái được, ngành Du lịch cũng còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục, đó là: Mặc dù tốc độ tăng trưởng được duy trì tương đối cao nhưng vẫn tiềm ẩn thiếu bền vững; doanh thu du lịch chưa tương xứng với số lượng khách đến với Quảng Ninh, thời gian lưu trú thấp, chi tiêu ít; chất lượng dịch vụ, sản phẩm du lịch vẫn còn đơn điệu nghèo nàn, thiếu đồng bộ, các doanh nghiệp du lịch có quy mô nhỏ, năng lực cạnh tranh còn hạn chế v.v.. Chính những điều này đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của du lịch Quảng Ninh. Ngành du lịch Quảng Ninh đang tìm hướng khắc phục để đạt kết quả cao hơn, xứng với tiềm năng, thế mạnh của địa phương.

Hy vọng, chặng đường tiếp theo sẽ là một giai đoạn thịnh vượng hơn nữa của du lịch Quảng Ninh, với mục tiêu “Phấn đấu đưa Quảng Ninh trở thành một trung tâm du lịch có đẳng cấp ở châu lục vào năm 2015” theo tinh thần của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII đề ra.
Báo Quảng Ninh