Du lịch: Phục hồi mạnh nhờ đầu tư quảng bá
Cập nhật: 02/08/2010
Việt Nam đón khoảng hơn 2,91 triệu lượt du khách quốc tế trong 7 tháng đầu năm nay so với hơn 2,17 triệu khách của cùng kỳ năm ngoái và đang hướng đến vượt mục tiêu thu hút ít nhất 4,2 triệu khách cho cả năm 2010.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam (VNAT) đã trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online tại TPHCM ngày 27-7, xung quanh tốc độ phục hồi tăng trưởng của du lịch Việt Nam, với mục tiêu lượng khách du lịch quốc tế tăng đều đặn hàng năm.

TBKTSG Online: Những gì ông nói tại hội thảo xúc tiến cho các cảng hàng không Cần Thơ, Phú Quốc và Liên Khương cho thấy ngành du lịch rất tin tưởng là sẽ vượt mục tiêu đón 4,2 triệu du khách quốc tế trong năm nay. Phải chăng ngành du lịch Việt Nam đã sẵn sàng cho giai đoạn phát triển mới sau một thời gian bị ảnh hưởng khủng hoảng?

- Ông Nguyễn Văn Tuấn: Trong 7 tháng đầu năm 2010 có nhiều yếu tố khác biệt so với trước đây. Thứ nhất là chúng ta vừa trải qua giai đoạn khủng hoảng, và khủng khoảng khiến khách du lịch quốc tế giảm sút nên việc phục hồi và tăng trưởng mạnh là dấu hiệu bình thường. So với giai đoạn khủng hoảng thì tốc độ tăng về lượng khách quốc tế đến Việt Nam mạnh; còn nếu so với năm 2007 và năm 2008 (khi ngành du lịch Việt Nam bùng nổ) thì cũng đạt được kết quả tương đối tốt.

Thứ hai là chúng ta đã tận dụng được thời cơ do các yếu tố bên ngoài tác động vào, như tình hình ở Thái Lan vừa qua đã mang lại cơ hội từ việc khách ở các thị trường gần đã điều chỉnh kế hoạch du lịch sang các thị trường như Việt Nam, Malaysia và Singapore. Nhưng, chúng ta cũng phải đối phó với tác động không thuận lợi là khách ở các thị trường xa coi khu vực Đông Nam Á (ASEAN) là một điểm đến, trong đó có Thái Lan và Việt Nam vì sau khi đến Thái Lan họ thường nối tour đến Việt Nam. Do vậy, khách ở các thị trường xa hầu như tăng không đáng kể và khách ở các thị trường này chưa thể phục hồi ngay sau khủng hoảng được. Các thị trường chúng ta tập trung xúc tiến mạnh thì tăng trưởng mạnh như Trung Quốc, Đông Bắc Á và ASEAN.

Khía cạnh thứ ba mà tôi muốn đề cập là sau một thập kỷ phát triển (từ năm 2000 đến năm 2010), ngành du lịch Việt Nam đã bắt đầu tạo ra được nền tảng, có được thương hiệu, hình ảnh. Sức hấp dẫn của điểm đến Việt Nam đang ngày càng tăng và cho thấy rằng chúng ta đang có những yếu tố, điều kiện thuận lợi để bước vào thập kỷ phát triển mới.

Nhưng vẫn còn ý kiến cho rằng Việt Nam là điểm đến du lịch cho một lần mà thôi. Vậy ngành du lịch đã làm gì để biến Việt Nam là điểm đến cho hai hay nhiều lần đối với khách quốc tế?

- Ý kiến đó vừa có khía cạnh đúng và chưa thật đúng. Đúng ở chỗ một tỷ trọng khách không nhiều trở lại Việt Nam và không đúng ở chỗ chúng ta không nên đưa ra tiêu chí việc quay trở lại của khách quốc tế là quan trọng nhất. Bởi vì về mặt tâm lý của khách du lịch, trừ dòng khách đi nghỉ dưỡng, dự hội thảo, hội nghị (khách du lịch MICE) thì phần lớn du khách trong cuộc đời của họ thường chọn điểm đến và quốc gia khác nhau cho mỗi chuyến đi du lịch.

Trong giai đoạn khủng hoảng, các nước trong khu vực như Singapore đã thu hút nhiều đầu tư vào việc nâng cấp sản phẩm, dịch vụ du lịch. Ngành du lịch Việt Nam đã làm gì trong giai đoạn khó khăn qua để chuẩn bị nắm bắt cơ hội sau khủng hoảng?

- Trong giai đoạn khủng hoảng, chúng ta đã nhận thức được điều này và đã chú trọng đến 3 vấn đề.

Thứ nhất là tập trung thu hút đầu tư. Bằng chứng là năm 2009 là năm khó khăn nhất lại là năm chúng ta thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực du lịch, khách sạn đạt cao nhất, đạt 8,8 tỉ đô la Mỹ trong tổng số khoảng 22 tỉ đô la Mỹ vốn FDI đăng ký của năm này, chưa kể dòng vốn đầu tư từ các doanh nghiệp trong nước.

Thứ hai là chúng ta đã đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch, cơ sở vật chất nên sản phẩm du lịch trong năm nay đã gia tăng một cách đáng kể.

Thứ ba là trong giai đoạn khó khăn vừa qua, chúng ta đã tập trung rất nhiều các nguồn lực để quảng bá xúc tiến vào các thị trường trọng điểm, đặc biệt là các thị trường có khả năng phục hồi khách nhanh như Trung Quốc, Đông Bắc Á và ASEAN.

Vậy các thị trường trên vẫn là trọng điểm đối với ngành du lịch Việt Nam sau khủng khoảng, thưa ông?

- Chúng ta có nhiều dòng thị trường trọng điểm là Trung Quốc, Đông Bắc Á, ASEAN, Tây Âu, Bắc Mỹ và hiện nay đang nổi lên một số thị trường khác như Úc và Nga. Chúng ta đều coi trọng các thị trường này nhưng mỗi thời điểm chúng ta có sự tập trung hợp lý trong việc quảng bá, xúc tiến để tạo ra sự phục hồi, tăng trưởng nhanh.

Xin cảm ơn ông!
TBKTSG Online