Để Du lịch Lào Cai phát triển bền vững
Cập nhật: 29/07/2010
Lào Cai là miền đất giàu đẹp về thiên nhiên, phong phú về văn hóa lịch sử, hội tụ đầy đủ các loại tài nguyên du lịch cơ bản và có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch.


                    Dinh Hoàng A Tưởng

Là một tỉnh hội tụ nhiều tiềm năng thế mạnh về tài nguyên khoáng sản, lại được thiên nhiên ưu đãi với địa hình và thổ nhưỡng phong phú; khí hậu đa dạng với đỉnh Fansipan cao 3.143m chứa đựng hệ sinh thái tự nhiên phong phú chiếm 50% số loài thực vật quý hiếm của Việt Nam cùng với các nhóm dân tộc được bảo lưu nhiều yếu tố văn hóa đầy hấp dẫn được biểu hiện qua các lễ hội đầu xuân như: hội Roóng Poọc của người Dáy Sa Pa, hội múa xòe người Tày Bắc Hà, Hội xuân Đền Thượng tại TP. Lào Cai... cho đến một tập hợp nhiều di tích lịch sử văn hóa đó là quần thể hang động Mường Vi, đền Thượng, đền Bảo Hà, bãi đá cổ Sa Pa, dinhHoàng A Tưởng... là những điều kiện thuận lợi để phát triển nhiều loại hình du lịch. Thiên nhiên kỳ vỹ, con người Lào Cai hiếu khách là bức tranh toàn cảnh của tỉnh vùng cao năng động, đang từng ngày phát triển và hội nhập, là điểm đến hấp dẫn của du khách trong hành trình du lịch và khám phá.

Thế mạnh tiềm năng đã tạo điều kiện giúp Lào Cai phát triển nhiều loại hình du lịch văn hóa chất lượng cao kết hợp du lịch sinh thái, thể thao mạo hiểm, nghỉ dưỡng... Tỉnh Lào Cai đã tập trung phát triển du lịch theo hướng bền vững, trên cơ sở giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, bảo vệ tốt môi trường và cảnh quan.

Năm 1992, năm đầu tiên ngành Du lịch được thành lập, Lào Cai mới chỉ đón được 8.000 lượt khách, đến năm 2009 đã có trên 700.000 lượt khách. Lượng khách du lịch đến Lào Cai trong giai đoạn 2001 - 2010 ước đạt 5.307.000 lượt, tốc độ tăng trưởng bình quân của khách đạt: 11,3%. Trong đó khách quốc tế ước đạt 2.319.000 lượt (chiếm 43,6%). Số lao động làm việc trực tiếp tại các doanh nghiệp du lịch và các cơ sở lưu trú lên tới trên 1.500 người. Cơ sở vật chất du lịch cũng không ngừng tăng lên, tổng số cơ sở lưu trú trên toàn tỉnh hiện nay là 335 cơ sở, với 3.926 phòng, chủ yếu tập trung tại Sapa; Bắc Hà và TP. Lào Cai. Trong đó có 20 cơ sở đạt chất lượng từ 1 đến 4 sao với trên 600 phòng. Ngoài ra còn 80 nhà nghỉ lưu trú tại gia ở các thôn bản phát triển du lịch cộng đồng tập trung tại 2 huyện Sa Pa và Bắc Hà. Toàn tỉnh đã có hàng chục doanh nghiệp, chi nhánh kinh doanh lữ hành quốc tế. Hệ thống nhà hàng đặc sản, nhà hàng vườn cũng được mở rộng và phát triển. Các phương tiện vận chuyển du lịch như: tàu, taxi, ôtô... các loại không ngừng được đổi mới và nâng cao chất lượng.

Với định hướng phát triển du lịch bền vững và trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh Lào Cai đang phấn đấu thực hiện mục tiêu đề ra đón 1,5 triệu lượt khách vào năm 2015, trong đó có trên 50% là khách quốc tế. Đề án phát triển kinh tế du lịch giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng đến năm 2020 được xây dựng, trong đó tập trung đầu tư vào một số nội dung chủ yếu:

Giai đoạn 2010 - 2015 tập trung vào ba vùng du lịch trọng điểm, tạo thể chân kiềng vững chắc, lấy các điểm đầu tư du lịch trọng tâm tại mỗi vùng làm nền tảng phát triển đột phá theo hướng mở, gắn với sản phẩm du lịch và thị trường khách du lịch. Vùng 1: Gồm TP. Lào Cai – Sapa – Bát Xát. Vùng 2: Gồm Bắc Hà – Si Ma Cai - Mường Khương. Vùng 3: Gồm Bảo Thắng – Bảo Yên – Văn Bàn.

                    Cảnh đẹp trên núi Hàm Rồng

Tập trung nâng cao chất lượng và sản phẩm du lịch Sa Pa, cải thiện hệ thống quản lý tuyến điểm du lịch, tôn tạo cảnh quan, bảo vệ môi trường tự nhiên và văn hóa nhằm duy trì sức hấp dẫn và thương hiệu du lịch Sa Pa. Đồng thời, hợp tác với các doanh nghiệp du lịch địa phương, cải thiện chất lượng hoạt động của mô hình chợ đêm tại khu ẩm thực, biến chợ đêm (khu ẩm thực) thành sản phẩm du lịch hấp dẫn và thành điểm nhấn về đêm của du lịch Sa Pa. Lấy Sa Pa làm điểm trọng tâm, nghiên cứu phát triển các tuyến điểm du lịch phụ cận mới nhằm tạo thêm nhiều lựa chọn cho du khách; mở tuyến du lịch kết nối từ Sa Pa - Nậm Cang và sang các điểm tiềm năng khác của huyện Văn Bàn.

Song song với việc nâng cao thương hiệu và sản phẩm chợ vùng cao Bắc Hà bằng việc cải thiện chất lượng và hình ảnh của các lễ hội văn hóa du lịch cùng với việc khai thác các sản phẩm du lịch tiềm năng khác như: thắng cố Mường Khương; du lịch sinh thái Văn Bàn, du lịch Sông Hồng... Trong thời gian tới cũng đẩy mạnh khai thác du lịch mua sắm tại Lào Cai; du lịch lễ hội, văn hóa, tâm linh... Phát triển sản phẩm và dịch vụ tắm thuốc Dao đỏ tại các bản làng tiềm năng.

Tập trung thu hút và khuyến khích đầu tư các khách sạn có sao, các khu du lịch sinh thái, khu nghỉ dưỡng kết hợp với chữa bệnh bằng các bài thuốc truyền thống của người dân tộc... Một mặt, tiếp tục phát huy mô hình bản làng du lịch cộng đồng; phát triển các tuyến đường đi bộ dã ngoại thân thiện với môi trường; mặt khác cũng kêu gọi và khuyến khích việc xây dựng các cơ sở vật chất du lịch bổ trợ trên tuyến. Đào tạo nâng cao năng lực kỹ năng phục vụ, giao tiếp cho người tham gia các hoạt động dịch vụ du lịch tại điểm du lịch bản làng và điểm du lịch cộng đồng. Thường xuyên tổ chức các chương trình tập huấn: học thông qua hành, đưa người dân tham gia học bằng hành tại các điểm đến trong và ngoài nước; tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức nước ngoài phát triển các chương trình đào tạo ngắn ngày, đào tại chỗ cho người dân bản tham gia làm du lịch mang tính bài bản và chuyên nghiệp. Đặc biệt đẩy mạnh mô hình đào tạo tại chỗ và đào tạo lại tại các doanh nghiệp du lịch; đào tạo theo nhu cầu sử dụng lao động tại các doanh nghiệp.

Tiếp tục đẩy mạnh việc liên kết các tỉnh trong chương trình hợp tác 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng và chương trình Du lịch về cội nguồn giữa 3 tỉnh Lào Cai – Yên Bái – Phú Thọ để xây dựng chương trình quảng bá khung trong đó thống nhất một tiêu chuẩn chung về bố cục, nội dung, màu sắc... cho các ấn phẩm tuyên truyền. Thực hiện chương trình quảng bá liên kết các điểm đến: Sa Pa (Lào Cai) - Điện Biên - Mai Châu (Hòa Bình); Quảng bá vùng Tây bắc mở rộng tại Côn Minh và Luang Phrabang (Lào); xúc tiến phát triển các tuyến du lịch liên vùng Tây Bắc mở rộng; Xúc tiến phát triển liên kết tuyến Luang Phrabang (Lào) – Các tỉnh tây Bắc – Lào Cai – Côn Minh Trên cơ sở tiềm năng và các điều kiện phát triển, hơn bao giờ hết,định hướng phát triển của du lịch Lào Cai trong giai đoạn 2010 - 2015 sẽ là phát triển bền vững gắn với việc phát huy lợi thế của mình để từng bước trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh nhà và là một điểm đến du lịch tầm cỡ ở khu vực Tây Bắc - Việt Nam.
Báo Du lịch