Di sản góp phần phát triển du lịch
Cập nhật: 09/08/2010
Theo thống kê của Cục Di sản Văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), hiện nay trên cả nước có khoảng trên 4 vạn di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh. Trong đó, có hơn 3 nghìn di tích được xếp hạng cấp quốc gia, hơn 5 nghìn di tích xếp hạng cấp tỉnh.

Cộng thêm vào đó là gần 1 nghìn di sản phi vật thể được sưu tầm nghiên cứu, lưu trữ. Vì vậy, việc phát triển du lịch gắn với việc bảo tồn và phát huy giá trị của những di sản văn hóa là điều hết sức cần thiết.

Trong quá trình đổi mới, mở cửa, giao lưu hội nhập hiện nay của đất nước, di sản văn hóa và thiên nhiên trở thành 1 nhân tố quan trọng. Về bản chất, di sản văn hóa và thiên nhiên đã mang tính nhân loại. Di sản là sản phẩm của thiên nhiên và con người, vì thế di sản luôn có sức cuốn hút.

Điều đó còn được khẳng định ở chỗ nước ta có 10 di sản văn hóa và thiên nhiên được tôn vinh là di sản thế giới, 2 di sản được đưa vào Chương trình Kí ức thế giới, một số được công nhận là khu Dự trữ sinh quyển thế giới, vịnh đẹp nhất của thế giới, vườn quốc gia ASEAN.

Thông qua các hoạt động du lịch, di sản văn hóa và thiên nhiên của nước ta được giới thiệu rộng rãi trên khắp thế giới. Qua đó, đã giới thiệu hình ảnh đất nước, con người Việt Nam là một đất nước có truyền thống văn hóa lâu đời, thiên nhiên tươi đẹp, hấp dẫn, sản vật dồi dào, ẩm thực phong phú, con người Việt Nam chăm lao động, mến khách, thân thiện.

Di sản văn hóa Việt Nam được giới thiệu ra nước ngoài bằng nhiều hình thức, có khi thông qua các màn trình diễn nghệ thuật truyền thống (Múa rối nước, Nhã nhạc, Cồng chiêng Tây Nguyên, Tuồng, Chèo, Cải lương, Quan họ Bắc Ninh, Ca trù...).

Có khi lại qua các hội thảo, hội nghị ở nước bạn hoặc qua các phương tiện thông tin đại chúng, ấn phẩm. Khách nước ngoài đến thăm Việt Nam thưởng ngoạn, nghiên cứu, trải nghiệm từ các di sản vật thể và phi vật thể, qua đó, họ hiểu thêm các giá trị truyền thống của con người Việt Nam, đồng thời giúp cho họ có niềm tin trong việc chọn Việt Nam làm điểm đến, đầu tư đáng tin cậy.

Việc các di sản văn hóa Việt Nam được UNESCO tôn vinh là những thương hiệu đặc biệt không chỉ quảng cáo cho các di sản mà còn góp phần thu hút khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam nhiều hơn.

Tại các địa phương, di sản được bảo tồn, du lịch phát triển tạo ra sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế địa phương, người dân được hưởng lợi nhiều hơn thông qua việc tham gia dịch vụ du lịch, ngành nghề thủ công truyền thống tại khu vực di sản và xung quanh khu vực di sản được phục hồi mở rộng.

Di sản càng được tu bổ, tôn tạo, các hoạt động phát huy giá trị di sản sẽ được mở rộng sáng tạo thêm như: Lễ hội Du lịch Hạ Long, Quảng Nam, Festival Huế, Đêm rằm phố cổ Hội An...

Lúc đầu, du khách chỉ đến thăm các công trình kiến trúc – mỹ thuật tại di sản, đến nay du khách đã được thưởng thức thêm các giá trị văn hóa phi vật thể truyền thống. Bên cạnh đó, các làng nghề truyền thống cũng được phục hồi, phát triển.

Nhiều ngành nghề mới ra đời làm giàu thêm cho đất nước, góp phần phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Nhà hàng, khách sạn, các trung tâm dịch vụ, cửa hàng bán đồ thủ công mỹ nghệ truyền thống, các phương tiện giao thông được tân trang tạo cho bộ mặt địa phương thay đổi hẳn so với trước đây.

Tuy nhiên, trên thực tế, còn có những nhận thức chưa đúng, chưa đầy đủ về di sản. Ở một số nơi, di sản hàng ngày, hàng giờ bị đe dọa, việc đầu tư cho di sản về cơ chế, tài chính còn chưa thỏa đáng.

Tại không ít địa phương, di tích sau khi được xếp hạng tiếp tục trong tình trạng hoang hóa, không có kế hoạch bảo tồn, phát huy giá trị di sản để hỗ trợ cho sự phát triển địa phương. Nói cách khác, nguồn tài nguyên này vẫn bị lãng phí. Một số nơi, di tích bị lấn chiếm, khai thác bừa bãi, di sản phi vật thể chưa được chăm lo gìn giữ, truyền dạy, phục hồi có nguy cơ bị mai một.

Việc kết hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, du lịch và các dự án phát triển kinh tế xã hội khác, hoàn thiện quy hoạch bảo tồn và du lịch tại khu vực có di sản là điều hết sức cần thiết. Đẩy mạnh hơn nữa việc đào tạo đội ngũ thuyết minh tại các khu vực có di tích. Tăng cường hướng dẫn nghiệp vụ du lịch trong cộng đồng, phấn đấu để mỗi người dân tham gia vào hoạt động phục vụ du lịch đều được hướng dẫn về văn hóa du lịch, có thái độ ứng xử đúng mực với khách tham quan du lịch.
Báo Văn hóa