Vừa qua, tại khu du lịch Palm Garden Beach Resort & Spa, UBND tỉnh Quảng Nam, Tổng Công ty Dệt Phong Phú và Báo Tuổi Trẻ đã tổ chức hội thảo “Miền Trung – Xây dựng điểm đến quốc tế”.
Tại hội thảo, gần 150 đại biểu là lãnh đạo các Bộ, ngành, các tỉnh miền Trung, chuyên gia kinh tế, đại diện doanh nghiệp du lịch, lữ hành, khách sạn đã đưa ra hơn 30 ý kiến thảo luận 3 vấn đề: Quy hoạch, xây dựng hạ tầng - Xúc tiến quảng bá sản phẩm - Phát triển nguồn nhân lực nhằm đưa du lịch miền Trung cất cánh.
Xác định khu vực miền Trung là điểm đến quốc tế? Với lợi thế về vị trí và tiềm năng du lịch, khu vực miền Trung đã được xác định sau năm 2010 là vùng động lực của Du lịch Việt Nam nằm trên trục du lịch quốc gia kết nối với hai vùng du lịch phía Bắc và phía Nam. Đồng thời cũng là điểm kết nối Du lịch Việt Nam với du lịch khu vực và quốc tế. Chính vì vậy sự phát triển du lịch của khu vực miền Trung có ý nghĩa quan trọng đối với Du lịch Việt Nam. PGS.TS Phạm Trung Lương, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển du lịch đánh giá: khu vực miền Trung có nhiều tài nguyên đặc sắc với 5/10 di sản thế giới ở Việt Nam, là nơi có nhiều bãi biển đẹp nhất hành tinh, hệ sinh thái biển đảo, rừng nhiệt đới… và nhiều di tích lịch sử, làng nghề truyền thống. Tuy có nhiều lợi thế nhưng du lịch miền Trung chưa thực sự phát triển tương xứng với tiềm năng. Để miền Trung là điểm đến quốc tế, PGS.TS. Phạm Trung Lương cho rằng cần phát triển nhiều sản phẩm du lịch có chất lượng, định hướng thị trường từ các nguồn khách ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc; Pháp, Đức, Hà Lan và Canada, Hoa Kỳ; đề nghị Hàng không Việt Nam cần mở nhiều đường bay quốc tế trực tiếp đưa du khách đến các sân bay Đà Nẵng, Phú Bài và các tỉnh lân cận.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của điểm đến miền Trung trong việc thu hút nguồn khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, Phó TGĐ Vietnam Airlines (VNA) Trịnh Hồng Quang cho biết: Với vai trò là hãng hàng không quốc gia, VNA nỗ lực hết mình để quảng bá và phát động khách quốc tế đến với miền Trung thông qua các chính sách: Áp dụng miễn phí chặng bay nội địa đến miền Trung cho khách quốc tế mua vé bay đến Hà Nội hoặc TP.HCM; Phối hợp với Tổng cục Du lịch và các Sở Quản lý Nhà nước về du lịch địa phương tập trung quảng bá điểm đến du lịch miền Trung tại các thị trường quốc tế; Kết hợp với các công ty du lịch xây dựng sản phẩm du lịch trọn gói đến miền Trung và kết hợp miền Trung với mạng đường bay Đông Dương như Lào, Campuchia, Myanmar để tạo hành trình du lịch hấp dẫn; Tiếp tục kết hợp tổ chức các chuyến bay từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông, Thượng Hải, Ma Cao, Quảng Châu đi và đến Đà Nẵng. Dự kiến trong thời gian tới VNA sẽ mở đường bay thẳng Đà Nẵng – SiemReap nhằm tăng sức hấp dẫn điểm đến miền Trung với lợi thế du lịch biển và điểm đến di sản văn hóa Angkor Wat tại SiemReap.
Nguồn nhân lực: chú trọng đào tạo tại chỗ
Ông Paul Stoll - TGĐ Công ty Tư vấn Celadon International cho rằng, để miền Trung là điểm đến quốc tế cần có những thay đổi sản phẩm du lịch để hấp dẫn du khách đến và quay lại với sự kỳ vọng vào những sản phẩm mới, đặc trưng. Nguồn nhân lực sẽ là yếu tố quan trọng trong quá trình nâng cao chất lượng sản phẩm.
Việt Nam đã hình thành nhiều trường đào tạo nhân lực du lịch nhưng chất lượng chưa cao. Giải pháp cho vấn đề này là các doanh nghiệp không chỉ trông chờ vào nguồn nhân lực được cung cấp từ bên ngoài mà phải tự nâng cao chất lượng thông qua đào tạo tại chỗ; thường xuyên mở các lớp đào tạo nghiệp vụ ngoại ngữ và kỹ năng nghề cho nhân viên.
Giám đốc nhân sự Resort Nam Hải Trần Thị Cảnh đề nghị các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực du lịch miền Trung cần tăng cường thu hút đầu vào, nâng cao chất lượng nghiệp vụ cho sinh viên để đáp ứng nhu cầu thực tế. Riêng cách làm của Nam Hải là liên kết với các trường Đại học Duy Tân, Việt Úc, Thăng Long, tạo điều kiện cho sinh viên đến thực tập, qua đó sẽ có đánh giá và tuyển dụng nhân sự. Mặc khác, Nam Hải thường xuyên mở nhiều lớp đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ, chuyên môn cho CBNV. Đến nay đã có hơn 200 nhân viên được trang bị kiến thức nghiệp vụ phục vụ tốt cho du khách.
Kết thúc hội thảo, với hơn 30 ý kiến đóng góp đề xuất, phản biện rất tâm huyết đã gợi mở cho du lịch miền Trung nhiều hướng mới để có thể trở thành trung tâm du lịch hàng đầu khu vực. Trong tương lai, với 3 điểm nhấn là Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam nếu được quy hoạch và đầu tư thích đáng sẽ là những điểm đến có sức cạnh tranh cao so với một số nước trong khu vực và trên thế giới.