Nâng cấp tuyến du lịch sông Hồng trước thềm Đại lễ
Cập nhật: 07/09/2010
Nằm trong chương trình Năm Du lịch Quốc gia 2010 tại Hà Nội và tiến tới Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch Hà Nội đã tổ chức đoàn khảo sát một số tuyến điểm trong lộ trình tour sông Hồng nhằm nâng cấp phát triển thành tour đặc trưng của Hà Nội. Tuyến được khảo sát dọc sông Hồng gồm đền Dầm, đền Đại Lộ (hai ngôi đền thờ Mẫu thuộc huyện Thường Tín, Hà Nội), đền Đa Hòa (ngôi đền Tình Yêu thờ Thánh Chử Đồng Tử và nhị vị phu nhân), làng nghề Bát Tràng.

Tuyến du lịch sông Hồng bắt đầu được khai thác từ năm 1996. Du lịch bằng tàu thủy vẫn là hướng khai thác chủ yếu, ngoài ra còn kết hợp giữa tàu thủy và ôtô, xe đạp tới các di tích, danh thắng, làng nghề tiêu biểu trên địa bàn Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh. Đối tượng chính của tuyến du lịch sông Hồng từ trước đến nay là khách nội địa, đi du lịch sinh thái kết hợp với du lịch tâm linh.

Tuy nhiên, Tour du lịch này hiện vẫn khai thác các điểm du lịch cũ, chưa có sự đầu tư tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo, nên khó thu hút khách đi lại lần thứ hai. Về cơ sở hạ tầng điểm đến, chỉ có bến đền Đa Hòa là được đầu tư bài bản giúp cho việc lên xuống tàu được thuận tiện; còn bến đền Dầm, đền Đại Lộ vẫn là thềm đất nên khó đi, khó đảm bảo an toàn vào mùa lũ. Về cơ sở hạ tầng tàu thuyền có thể thỏa mãn nhu cầu của khách nội địa nhưng đón khách quốc tế cần đầu tư nâng cấp hiện đại và giảm tiếng ồn của động cơ. Ngoài ra phải chú ý vấn đề vệ sinh môi trường, an toàn cho khách.

 

Để khắc phục những hạn chế còn tồn tại, đưa du lịch tuyến sông Hồng trở thành điểm đến hấp dẫn không chỉ thu hút khách nội địa mà cả khách quốc tế, các công ty lữ hành cần phối hợp với các đơn vị thực hiện chiến lược đầu tư, nâng cấp phù hợp về mọi mặt.

 

Bà Linh Chi, Phó giám đốc công ty Sắc màu Việt cho rằng, để thu hút nhiều hơn nữa khách quốc tế và khách cao cấp, tuyến du lịch này cần có một số tàu chất lượng cao như tàu gỗ hoặc tàu hình rồng, kết hợp làm du thuyền với nhà hàng nổi. Bên cạnh đó, tùy nhu cầu từng đối tượng khách, chương trình tham quan nên thu ngắn và khách có thể sử dụng phương tiện khác để đi du lịch theo chương trình do công ty lữ hành sắp đặt. Tàu có thể quay vòng nhiều chuyến trong ngày. Dọc sông Hồng cần bổ sung thêm nhiều di tích để làm phong phú cho chương trình. Công ty Vietnamtourist tại Hà Nội sẵn sàng hợp tác để khảo sát chuyên đề, mở những điểm mới hấp dẫn với đối tượng khách ngoại quốc.

 

Hiện tại, cảng Du lịch Bát Tràng (Gia Lâm) với mức đầu tư hơn 29 tỷ đồng nằm trong các hạng mục đầu tư hạ tầng du lịch năm 2010 đang gấp rút hoàn thành và có thể đón tàu 150 chỗ cập bến. Dự án hoàn thành sẽ giúp thông thương hàng hóa và đón khách đến làng nghề Bát Tràng nhiều hơn.

 

Sau khi có dự án quy hoạch phát triển tuyến du lịch này, hệ thống hạ tầng sẽ được quan tâm đầu tư nâng cấp để xứng tầm là tuyến du lịch điểm của thành phố Hà Nội.

 

                                                                         Phạm Phương biên tập

Trung tâm Thông tin du lịch