Lễ bế mạc Festival Gốm sứ Việt Nam – Bình Dương 2010
Cập nhật: 09/09/2010
Tối 8/9, tại sân vận động tỉnh Bình Dương đã diễn ra Lễ bế mạc Festival Gốm sứ Việt Nam – Bình Dương 2010.

Diễn ra từ ngày 02/9/2010 đến ngày 08/9/2010 tại thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương với những hoạt động sôi nổi mang đậm nét văn hóa truyền thống và hấp dẫn công chúng như: Hội chợ triển lãm gốm sứ giới thiệu và bán các sản phẩm gốm sứ nổi tiếng của Việt Nam, giới thiệu những bộ sưu tập gốm cổ với khoảng 300 cổ vật gốm sứ Đông Sơn, Đinh – Tiền Lê, Lý – Trần...; Đêm ca nhạc thời trang “Vũ điệu gốm sứ”; Hội thi biểu diễn chế tác tại chỗ một số sản phẩm gốm sứ tiêu biểu; Các hoạt động thể thao đua thuyền, lướt ván trên sông..., Festival Gốm sứ Việt Nam – Bình Dương 2010 đã khép lại với những thành công rực rỡ, góp phần quảng bá và giới thiệu tiềm năng du lịch của Bình Dương nói riêng và Đông Nam Bộ nói chung qua các sản phẩm gốm đặc sắc.

Trong đêm bế mạc, Ban tổ chức đã khen thưởng các làng nghề, doanh nghiệp, tập thể và cá nhân có nhiều đóng góp cho ngành gốm sứ Việt Nam. Trước đó, tại Lễ khai mạc diễn ra vào tối 4/9 tại sân vận động Gò Đậu, Ban tổ chức đã trao giấy Chứng nhận tôn vinh 33 nghệ nhân đến từ 22 làng nghề gốm sứ trong cả nước. Ban tổ chức Festival cũng đã xác lập 9 kỷ lục gốm sứ  Việt Nam gồm: cúp Hồn Việt (cúp bằng sứ liền khối cao nhất); chén ngọc Văn Lang (chén sứ liền khối lớn nhất); cúp Sen Vàng (cúp bằng sứ liền khối lớn nhất); Quốc Bình Thăng Long (bình hoa hình dáng trống đồng lớn nhất); Lu Thiên Địa (lu bằng gốm lớn nhất); Đèn Gốm mỹ thuật (cao nhất); triển lãm nghệ thuật sắp đặt bằng nhiều loại gốm sứ nhất; trưng bày bộ sưu tập gốm cổ Việt Nam lớn nhất; chiếc lu gốm làm bằng phương pháp xoay tay liền khối cao nhất.

Để bảo tồn và phát huy những giá trị vốn có của gốm sứ Việt Nam, trong khuôn khổ của Festival đã diễn ra hội thảo chuyên đề “Gốm sứ Việt Nam trong tiến trình hội nhập” với sự tham dự của khoảng 80 đại biểu, trình bày 12 tham luận. Hội thảo xoay quanh hai nội dung chính đó là vấn đề “Bảo tồn và phát triển giá trị gốm sứ Việt Nam” và  “Phát triển gốm sứ trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế”. Các đại biểu nhất trí cho rằng cần phải nhận diện và xác định rõ các nghề gốm truyền thống trong di sản văn hóa phi vật thể để có chính sách bảo vệ và phát triển loại hình di sản này.

Đến với Festival Gốm sứ tại Bình Dương, du khách còn có dịp tham quan các làng nghề truyền thống, các khu di tích lịch sử và khu du lịch sinh thái nổi tiếng trên địa bàn thị xã Thủ Dầu Một, huyện Thuận An, huyện Tân Uyên. Lần đầu tiên tổ chức, Festival đã thu hút trung bình 50.000 lượt khách tham quan và mua sắm mỗi ngày.

                                                                           Phạm Phương biên tập

Trung tâm Thông tin du lịch