1.000 quả Trứng Rồng (Egg- Dragon) được vẽ chữ thư pháp do hai nghệ sỹ Nguyễn Quang Thắng và Trần Trọng Dương (nhóm thư pháp Tiền Vệ) thực hiện sẽ được trưng bày kết hợp giữa nghệ thuật sắp đặt, cộng đồng kết hợp nghệ thuật thư pháp Hán Nôm cổ truyền, tại nhà cổ Đông Hồ khu Thiên đường Bảo Sơn (km số 8), Láng – Hòa Lạc, Hà Nội từ ngày 2/9/2010 đến 5/9/2010.
Ý tưởng triển lãm "Trứng Rồng" xuất phát từ truyền thuyết tổ tiên của người Việt là cha Lạc Long Quân và mẹ Âu Cơ cũng xoay quanh cặp đôi biểu tượng này. Trăm trứng nở ra 100 người con,
50 người con gái theo mẹ lên rừng, 50 người con trai theo cha xuống biển, mở mang bờ cõi. Truyền thuyết sơ khai của dân tộc Việt là như thế. Ai cũng tự hào coi mình là “con rồng cháu tiên” (con Lạc cháu Hồng), người Việt
Nam gọi nhau “đồng bào” là vì vậy. Rồng là cha, tiên là mẹ. Trứng rồng là biểu tượng của sự hình thành nguồn gốc và tinh thần đại đoàn kết dân tộc.
Rồng là tổ tiên của người Việt. Rồng vừa siêu phàm, mạnh mẽ, oai hùng vừa gần gũi gợi sự tin cậy và chở che, rồng chỉ báo điềm lành mà không bao giờ gây việc dữ. Xuất phát từ cảm hứng về biểu tượng rồng và nguồn gốc dân tộc, triển lãm sắp đặt mang tên “trứng- rồng” là một cách nhìn xuyên suốt từ lịch sử cho đến hiện nay.
Nghệ sỹ Trần Trọng Dương cho biết, anh đã sử dụng chất liệu gồm 1.000 quả trứng đà điểu (cỡ lớn), trên có viết thư pháp 1.000 chữ Long theo các thể chữ khác nhau: chân, thảo, lệ, triện. Trong đó từng đơn nguyên tác phẩm chú trọng đến tính tiền vệ, tạo hình. Những thân rồng uốn lượn nhịp nhàng theo phong cách đời Lý là âm hưởng chủ đạo. Thư pháp lần đầu tiên thử nghiệm ấn tượng thị giác trên mặt cầu. Những đường nét đơn tuyến bỗng trở nên đa diện và biến ảo. Người ta có thể sáng tác và thưởng thức tác phẩm đa diện, từ nhiều chiều nhiều góc độ khác nhau.
Loại hình nghệ thuật: thư pháp cổ truyền + sắp đặt đương đại+ nghệ thuật cộng đồng. Thư pháp chữ Hán chữ Nôm vốn thuộc loại hình thư pháp cổ truyền có lịch sử ngàn năm, đã đi cùng suốt chiều dài lịch sử của văn hóa dân tộc. Trong triển lãm này, những con chữ đã được làm mới bằng những cấu trúc biến thể đa dạng trên mặt cầu. Mỗi quả trứng, nếu tách ra, có thể đã là một tác phẩm độc lập. Nhưng khi kết hợp lại với nhau, quần thể trứng- rồng ấy đã trở thành một tác phẩm sắp đặt (installation) để tạo hiệu quả thị giác ấn tượng.
Nghệ sỹ Trần Trọng Dương cho biết thêm, đây là lần đầu tiên, thư pháp cổ truyền kết hợp với phương thức biểu đạt của nghệ thuật cộng đồng (community art). Những quả trứng được trải trên chái hiên, dại nhà để khách tham quan cũng như trẻ em được học và tự tay viết lên những bức thư pháp trứng rồng dưới sự hướng dẫn của các thư pháp gia. Cách trình diễn thị phạm này sẽ lôi cuốn khán giả vào chính cấu trúc của tác phẩm, và họ cũng đồng thời là đồng tác giả của chính tác phẩm đó. Nghệ thuật thư pháp cộng đồng còn có ý nghĩa xã hội sâu rộng. Bởi ở đó, trẻ em được học về văn hóa cổ truyền, được học về nghệ thuật đương đại, cũng như kiến thức về lịch sử, ngôn ngữ văn tự truyền thống của người Việt.