Ngành du lịch Thừa Thiên-Huế phấn đấu đến năm 2015 đón từ 2,5-3 triệu lượt khách/năm (trong đó có 50% là khách nước ngoài), đưa dịch vụ, du lịch đạt 48-50% cơ cấu tổng sản phẩm (GDP) của toàn tỉnh.
Ông Phan Tiến Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, ở giai đoạn này, ngành du lịch tập trung thực hiện các chính sách thu hút đầu tư, nâng cấp và xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch, dịch vụ.
|
Sông Hương |
Thừa Thiên-Huế đã ban hành cơ chế chính sách khuyến khích, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng nhằm huy động tối đa mọi nguồn lực, vốn đầu tư từ các đơn vị, địa phương trong và ngoài nước.
Ngoài ra, tỉnh còn tập trung xây dựng các sản phẩm du lịch mới, từng bước xây dựng các điểm du lịch gắn với giá trị cảnh quan độc đáo, phát huy có hiệu quả loại hình du lịch tâm linh, hình thành mới các loại hình dịch vụ, các điểm vui chơi giải trí, các điểm du lịch sinh thái.
Phạm vi tham quan cũng dần được mở rộng nhằm đưa khách đến với các hoạt động văn hóa, lễ hội, di chỉ khảo cổ, làng nghề truyền thống, tham quan hệ sinh thái biển, đầm phá, nghỉ dưỡng trên biển, thể thao dưới nước, du lịch mạo hiểm...
Đặc biệt, Thừa Thiên-Huế chú trọng phát huy giá trị di sản của Cố đô Huế để phát triển du lịch gắn với thúc đẩy các ngành tiểu thủ công nghiệp, làng nghề truyền thống, phát triển mạng lưới dịch vụ thương mại tổng hợp, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người lao động, giải quyết đồng bộ vấn đề ô nhiễm môi trường.
Hiện du lịch Thừa Thiên-Huế đang là một trong những điểm đến hấp dẫn của Việt
Nam. Chỉ tính trong giai đoạn từ 2005-2010 toàn ngành đã phát triển nhanh về cơ sở lưu trú, từ 122 cơ sở với 3.747 phòng và 7.179 giường ban đầu, sau năm năm đã tăng lên 310 cơ sở với 7.221 phòng và 13.171 giường.
|
Bãi biển Lăng Cô |
Doanh thu du lịch đồng thời cũng có mức tăng trưởng tương ứng, từ 543 tỷ đồng năm 2005 lên 1.130 tỷ đồng năm 2010, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 20-25%/năm, đưa dịch vụ, du lịch chiếm 44% cơ cấu tổng sản phẩm kinh tế.
Lượng khách du lịch đến Huế hiện đã đạt từ 1,5-2 triệu lượt/năm, dẫn đầu là thị trường khách đến từ Pháp và Tây Âu, Mỹ, Bắc Mỹ, khu vực Đông Nam Á, Bắc Á và một số thị trường mới.
Xu hướng xã hội hóa trong dịch vụ du lịch cũng góp phần làm phong phú hơn sản phẩm du lịch Huế. Công tác liên kết phát triển du lịch được hình thành và thúc đẩy, với các tuyến du lịch trên hành lang Đông-Tây và các điểm du lịch nằm trên con đường di sản miền Trung.
Từ năm 2005-2010, toàn tỉnh đã thu hút được 48 dự án lớn, có tổng số vốn đăng ký đầu tư khoảng 40.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, ngoài những thành quả đạt được, hoạt động du lịch ở Thừa Thiên-Huế vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế như hiệu quả kinh doanh của du lịch vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, sản phẩm du lịch còn đơn điệu, chưa mang tính cạnh tranh cao, tài nguyên du lịch chưa được đầu tư khai thác đáng kể, đặc biệt là các tài nguyên du lịch tự nhiên.
Ngoài ra, nguồn nhân lực của ngành còn yếu, kinh phí dành cho đào tạo còn ít, kinh phí cho tuyên truyền quảng bá trong và ngoài nước vẫn còn hạn chế./.