Mới đây, Bộ VH-TT-DL vừa ký Quyết định số 3146/QĐ-BVHTTDL phê duyệt đề cương bản Đề án “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch VN đến năm 2020, tầm nhìn 2030”, nhằm xây dựng hướng đi mang tính chiến lược phát triển ngành Du lịch của Việt Nam.
Những năm gần đây, ngành du lịch Việt
Nam đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận. Sau 15 năm thực hiện quy hoạch phát triển của du lịch (giai đoạn 1995-2010), du lịch VN đã có bước tiến lớn về khuôn khổ pháp lý, tiêu biểu là Luật Du lịch năm 2005. Hệ thống quản lý nhà nước về du lịch từ Trung ương tới địa phương đã từng bước đổi mới và hoàn thiện cùng với sự hình thành và phát huy vai trò của Ban chỉ đạo nhà nước về du lịch, sự ra đời của Hiệp hội Du lịch VN, sự trưởng thành và lớn mạnh của hệ thống doanh nghiệp du lịch, hệ thống cơ sở hạ tầng, vật chất, kỹ thuật phục vụ du lịch ngày một được nâng cao; tỷ trọng GDP của Du lịch ngày càng tăng, có đóng góp ngày càng quan trọng cho việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước… đây được coi là tiền đề cho Du lịch VN phát triển trong giai đoạn tiếp theo.
Tuy nhiên bên cạnh những thành tựu đã đạt được đó, đánh giá qua 15 năm thực hiện quy hoạch cho thấy ngành Du lịch VN còn tồn tại nhiều hạn chế và bất cập. Du lịch nước ta hiện còn chưa tạo ra bước đột phá để thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; kết quả còn chưa tương xứng với tiềm năng của đất nước. Nhìn chung phát triển nhưng còn ẩn chứa nhiều nguy cơ, yếu tố thiếu bền vững. Trong thời kỳ hội nhập toàn diện với khu vực, châu lục và thế giới thì Du lịch VN bên cạnh nhiều thuận lợi, vẫn còn đứng trước những thách thức lớn. Như vậy có thể thấy rằng, trong bối cảnh hiện nay thì việc xây dựng “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch VN đến năm 2020, tầm nhìn 2030” trở nên hết sức cấp thiết.
Quy hoạch đặt ra mục tiêu hướng tới việc cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu phát triển du lịch của Chiến lược phát triển du lịch VN đến năm 2020, tầm nhìn 2030; Thực hiện công tác quản lý, phát triển du lịch đảm bảo có hiệu quả và thống nhất trên toàn quốc; Tạo cơ sở lập các quy hoạch phát triển du lịch vùng, địa phương, các khu du lịch trọng điểm, các dự án đầu tư phát triển du lịch.
Quy hoạch dựa trên sự đảm bảo các nguyên tắc: Phù hợp với định hướng phát triển kinh tế xã hội và Chiến lược phát triển du lịch VN đến năm 2020, tầm nhìn 2030; Bảo đảm chủ quyền quốc gia, quốc phòng; Bảo vệ tài nguyên du lịch và môi trường, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; Bảo đảm tính khả thi cân đối cung cầu du lịch, phát huy lợi thế quốc gia, thế mạnh của từng vùng, từng địa phương.
Quy hoạch bao gồm rất nhiều nội dung như: Phân tích, đánh giá các nguồn lực và hiện trạng phát triển ngành du lịch; Xác định quan điểm, mục tiêu phát triển du lịch đến năm 2020, dự báo các chỉ tiêu và luận chứng các phương án phát triển đến năm 2020, tầm nhìn 2030; Tổ chức không gian du lịch, kết cấu hạ tầng, kỹ thuật phục vụ phát triển du lịch; Xác định các danh mục các khu vực, các dự án ưu tiên đầu tư, nhu cầu sự dụng đất, vốn, nhân lực, định hướng thị trường và sản phẩm du lịch, tổ chức các hoạt động kinh doanh du lịch; Đánh giá tác động môi trường, xây dựng các phương án bảo vệ môi trường; Đề xuất cơ chế chính sách, giải pháp và mô hình tổ chức quản lý, phát triển du lịch theo quy hoạch.
Sẽ có 8 nhóm giải pháp để thực hiện Quy hoạch: nhóm giải pháp cơ chế chính sách; vốn đầu tư; phát triển nguồn nhân lực; xúc tiến quảng bá; tổ chức quản lý quy hoạch; ứng dụng khoa học công nghệ, hợp tác quốc tế; bảo vệ tài nguyên môi trường.
Quy hoạch sẽ được sự phối hợp tổ chức và thực hiện của các Bộ, Ban, Ngành bao gồm: Ban chỉ đạo Nhà nước về du lịch; Bộ VH-TT-DL; Các Bộ, Ban, Ngành liên quan; các UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các Doanh nghiệp, các tổ chức xã hội khác.
Từ nay đến năm cuối tháng 12/2010, bản Quy hoạch chi tiết sẽ được bổ sung và hoàn chỉnh để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.