Diễn đàn du lịch Liên khu vực Đông Á (EATOF) khai mạc ngày 14/9 tại Khu du lịch quốc tế Tuần Châu (thành phố Hạ Long – Quảng Ninh) đã tổ chức hội thảo chuyên đề du lịch với sự tham gia của sáu nước thành viên EATOF là Indonesia, Malaysia, Hàn Quốc, Philippines, Mông Cổ và Việt Nam.
Hội thảo đã trình bày tham luận về định hướng phát triển cho du lịch biển Quảng Ninh và nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia nước ngoài.
Quảng Ninh là một trong bốn trung tâm du lịch lớn của Việt Nam với vịnh Hạ Long đã hai lần được UNESCO công nhận là di sản thế giới về giá trị thẩm mỹ và địa chất địa mạo. Bên cạnh đó, đây còn là nơi tập trung nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử như Yên Tử, bãi cọc Bạch Đằng, đền Cửa Ông... thuận lợi cho phát triển du lịch biển đảo, du lịch sinh thái, du lịch thể thao, du lịch văn hóa tâm linh....
Năm 2009, Quảng Ninh đã đón trên 2,7 triệu lượt khách, bằng 71,9% lượng khách du lịch so với cả nước. Tốc độ tăng trung bình của khách du lịch đến Quảng Ninh là 14,4%/năm. Tốc độ tăng trưởng trung bình của doanh thu du lịch là 37%/năm.
Với những tiềm năng du lịch phong phú và đa dạng, tỉnh Quảng Ninh cần có kế hoạch cụ thể để phát triển du lịch trong những năm sắp tới. Theo ý kiến đóng góp của các đại biểu tại hội thảo, du lịch Quảng Ninh cần quy hoạch phát triển du lịch chuyên biệt thành khu cao cấp và đại chúng; Dự án đầu tư năng lượng sạch; Thị trường khách; Phát triển các sản phẩm du lịch; Đầu tư phát triển nguồn nhân lực...
Một vấn đề được hội thảo hết sức quan tâm và đưa ra tham luận đó là vấn đề bảo vệ môi trường, xây dựng một môi trường xanh – sạch – đẹp, đối phó với sự biến đổi khí hậu đang diễn biến phức tạp trên toàn cầu. Đây là một thảm họa lớn ảnh hưởng không nhỏ đến sự tồn tại của loài người nói chung và của ngành du lịch nói riêng. Vì vậy, EATOF cần đưa ra một chính sách mạnh mẽ và toàn diện, xây dựng một chương trình nhận thức đúng đắn để các thành viên hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau nhằm khắc phục thảm họa trên. WOW (Chiến thắng rác thải) - một chương trình quản lý chất thải và các nguồn tài nguyên – đã được tiến sỹ Milagros C. Espina, Trường Đại học San Jose-Recoletos/Speechcom International, Cebu, Philippine đề xuất với mục đích quản lý và xử lý rác hợp lý. Thành công của chương trình này sẽ góp phần giảm thiểu sự đe dọa của biến đổi khí hậu, thu hút nhiều hơn lượng khách du lịch đến với địa phương.
Tại hội thảo, các đại biểu còn nghe và thảo luận về các tham luận như: Phát triển du lịch nông thôn tại tỉnh Yogyakarta (Indonesia); Giáo dục du lịch ở Mông Cổ trong mối tương quan với sự thay đổi nhân khẩu học; Nâng cao vị thế sự tham gia của cộng đồng địa phương trong phát triển du lịch bền vững - trường hợp nghiên cứu: Công viên quốc gia Bái Tử Long; Tính khả thi về sự phối hợp giữa giáo dục và du lịch; Du lịch dưới lòng đại dương - một sự thay đổi mới trong phát triển du lịch mạo hiểm ở Sarawak (Malaysia)....
Phạm Phương biên tập