Đà Nẵng làm mới bán đảo Sơn Trà
Cập nhật: 26/11/2010
Xây dựng các tour, tuyến, các sản phẩm du lịch mới cũng như các sự kiện văn hóa đặc sắc gắn liền với đặc trưng bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng) để thúc đẩy phát triển du lịch khu vực là sáng kiến của Ban Quản lý (BQL) bán đảo Sơn Trà và các bãi biển ở Đà Nẵng. Sáng kiến này nằm trong Đề án Quản lý và khai thác du lịch tại bán đảo Sơn Trà vừa được BQL bán đảo Sơn Trà báo cáo UBND thành phố Đà Nẵng.

Hòa mình vào thiên nhiên

                   Bãi Rạng ở bán đảo Sơn Trà

Điểm đáng chú ý nhất trong Đề án là việc xây dựng các khu du lịch song song với hoạt động của cộng đồng cư dân địa phương, cũng như bảo vệ tài nguyên rừng-biển khỏi sự xâm hại của người dân và du khách. Theo đó, một làng chài thu nhỏ sẽ hình thành ở bãi biển Mân Thái, thể hiện các hoạt động nghề cá như: đan lưới, trát thúng; đồng thời bán hàng lưu niệm và hướng dẫn các thao tác chế tác để du khách tự làm sản phẩm lưu niệm. Nhà trưng bày ở phía Tây đường Hoàng Sa có diện tích khoảng 300m2 được xây dựng để giới thiệu các ngư cụ, phương tiện đánh cá, trình bày hình ảnh và các ấn phẩm về nghề cá. Chợ hải sản đón khách vào thời gian nhất định trong ngày sẽ là điểm nhấn thú vị trong khi Đà Nẵng được biết đến như một thành phố dồi dào thức ăn tươi ngon từ biển. BQL dự định cùng với địa phương nâng cấp Lễ hội Cầu ngư hằng năm thành lễ hội có quy mô, giới thiệu văn hóa của làng nghề truyền thống.

Để kết hợp phát triển du lịch và bảo tồn phát triển hệ sinh thái biển bao gồm: Thảm cỏ biển, san hô, các loài cá..., ghềnh đá Bãi Bụt, Bãi Nam và Mũi Nghê được xem là những vị trí thích hợp cho khu dịch vụ câu cá trên biển, phục vụ du khách đam mê câu cá thư giãn ở những khu vực có phao giới hạn và bảng hướng dẫn, chỉ dẫn, có nhân viên thường xuyên tuần tra, bảo vệ. Việc kêu gọi xã hội hóa hình thành khu nuôi hải sản liền kề nhà hàng nổi ở khu vực Bãi Nam sẽ giải quyết tình trạng một số hộ nuôi hải sản nhỏ lẻ đang gây ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển các rạn san hô.

Tour mới không kém phần thú vị là loại hình du lịch cảm giác mạnh chỉ dành cho những người can đảm như đu dây giữa rừng. Để đi từ trạm này đến trạm kia, người chơi phải trang bị mũ bảo hiểm, móc khóa quanh thân người, nối chặt với sợi dây cáp to và đu mình theo cáp, với bên dưới là rừng nguyên sinh.

Mở rộng không gian du lịch

Hiện nay, các điểm dừng chân tại bán đảo Sơn Trà như Nhà vọng cảnh, Đỉnh Bàn Cờ, cây đa trăm năm... đều có không gian rất nhỏ. Trong tình hình khách du lịch đến bán đảo ngày càng tăng nhanh, trong tương lai sẽ không có chỗ cho nhiều đoàn khách nghỉ ngơi cùng lúc. Vì vậy, BQL đề xuất phát quang cây bụi tạo các khoảng không gian nghỉ ngơi, mắc võng, cắm trại ở Khu dã ngoại Đồi Khỉ trên diện tích 10.000m2. Nơi này được giữ nguyên hệ sinh thái rừng, chỉ lắp đặt thêm bảng chỉ dẫn, hướng dẫn, lều điều hành, lều dành cho lực lượng an ninh trật tự, lều phục vụ giải khát…

Ngoài ra, các địa chỉ đỏ nằm trong khu vực bán đảo cũng được đưa vào phục vụ nhu cầu tham quan, tìm hiểu về lịch sử cách mạng của du khách như: Hang Bà Đính, từng là Căn cứ Khu Đông, nằm ngay ngã ba đường nhánh khu biệt thự Suối Đá; Bãi Đá Đen - Mom Nở là căn cứ Thành ủy thời kỳ kháng Pháp 1954 - 1958.

Song song với việc mở rộng không gian và xây dựng các tuyến, điểm mới, bán đảo Sơn Trà sẽ được quảng bá mạnh hơn qua hình thức tổ chức các sự kiện văn hóa như: đua xe đạp vòng quanh bán đảo Sơn Trà; chương trình “Du xuân Sơn Trà” định kỳ sau mỗi dịp Tết nhằm thu hút khách đến Sơn Trà với các hoạt động như thơ nhạc, thư pháp, triển lãm; phối hợp với chùa Linh Ứng truyền tải ý nghĩa tâm linh qua Lễ hội ẩm thực chay vào rằm tháng Tư và tháng Bảy hằng năm. Nhằm giúp du khách có thêm thông tin về bán đảo, cũng như góp phần xây dựng ý thức bảo vệ thiên nhiên cho du khách, người dân trước khi bắt đầu hành trình khám phá, phòng trưng bày, phòng chiếu phim giới thiệu về bán đảo Sơn Trà ở Biệt thự mẫu tại khu biệt thự suối Đá sẽ được hình thành.
Báo Đà Nẵng