Khách du lịch nước ngoài tới ĐBSCL tăng gần 20%
Cập nhật: 29/11/2010
Theo Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long cho biết, du lịch khu vực này đã hấp dẫn hơn đối với du khách, điều này thể hiện bằng số du khách năm nay ước trên 19 triệu lượt người, tăng gần 12% so với năm 2009; trong đó có 1,46 triệu khách nước ngoài, tăng gần 20%.

            Chợ nổi Phụng Hiệp (Hậu Giang)
Các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Cà Mau và thành phố Cần Thơ dẫn đầu toàn khu vực về số lượng du khách.

Trên cơ sở đề án phát triển du lịch vùng đến năm 2020 do Bộ Văn hóa,Thể thao và Du lịch ban hành, các tỉnh tăng cường liên kết quảng bá, xúc tiến du lịch qua hội thảo, hội nghị chuyên đề, tuyên truyền bằng nhiều hình thức.

Từng bước, các tỉnh liên kết đào tạo nhân lực với hình thức bồi dưỡng ngắn hạn, đào tạo dài hạn, trung hạn. Tính chuyên nghiệp trong quá trình phục vụ của đội ngũ nhân viên được nâng lên.

Các tỉnh như: Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang và Hậu Giang phát triển mạnh loại hình du lịch sông nước, thương mại, lễ hội, nghỉ dưỡng biển cao cấp. Còn các tỉnh như: Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng mở rộng loại hình tham quan điểm cực Nam của Tổ quốc, du lịch sinh thái tại các khu rừng ngập mặn và du lịch văn hóa, lễ hội gắn với văn hóa dân tộc Khmer.

Các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long và Trà Vinh phát triển du lịch sông nước, miệt vườn, nghỉ tại nhà dân, tham quan làng nghề, di tích lịch sử cách mạng. Tỉnh Long An, Đồng Tháp mở rộng du lịch sinh thái tại các khu rừng đặc dụng ngập nước Đồng Tháp Mười.

                Lễ hội đua ghe Ngo (Sóc Trăng)
Các lễ hội Vía bà Chúa Xứ ở An Giang, lễ giỗ anh hùng Nguyễn Trung Trực ở Kiên Giang, lễ hội Nghinh Ông ở Trà Vinh, đua ghe Ngo ở Sóc Trăng được nâng cấp với quy mô hoành tráng hơn, tạo ấn tượng tốt hơn.

Các tỉnh cũng phát triển các sản phẩm đặc thù, có chất lượng cao của từng địa phương như: trái cây, bánh, kẹo, đường thốt nốt, cá đồng, cá biển… song song với đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng chất lượng cao tại các khu du lịch ở Cần Thơ, Châu Đốc, Rạch Giá, Phú Quốc; nâng cấp các sân bay ở Phú Quốc, Cần Thơ, Rạch Giá, Cà Mau và mở thêm các chuyến bay từ Cần Thơ đến Phú Quốc.

Ngành du lịch khôi phục, mở rộng các lễ hội truyền thống của các dân tộc Kinh, Khmer, Hoa, Chăm; thực hiện tốt hơn việc quảng bá xúc tiến du lịch, từng bước xây dựng hình ảnh du lịch Đồng bằng sông Cửu Long thống nhất, hấp dẫn đồng thời mở thêm một số khu du lịch tổng hợp, cơ sở giải trí, nghỉ dưỡng chất lượng cao và các dịch vụ bổ sung đạt tiêu chuẩn quốc tế.

      Vườn cò Bằng Lăng ở huyện Thốt Nốt (Cần Thơ)
Riêng thành phố Cần Thơ, đầu tư lớn nâng cấp các khu du lịch chủ lực gồm cồn Ấu, cồn Khương, Thủy Tiên, Phù Sa, Ba Láng, làng du lịch Mỹ Khánh ở huyện Phong Điền; vườn cò Bằng Lăng ở huyện Thốt Nốt.

Trong thời gian tới, Đồng bằng sông Cửu Long hình thành trung tâm xúc tiến, quảng bá du lịch chung cho cả vùng; lập trang web nhằm mở rộng thông tin du lịch; đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm du lịch, nâng cao chất lượng phục vụ.

Đặc biệt, huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang sẽ được xây dựng và phát triển thành thành phố du lịch biển đảo, trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp quốc tế.

Đồng thời, tại huyện đảo này sẽ được bổ sung các tổ hợp dịch vụ du lịch giải trí cao cấp, các khách sạn 5-7 sao, casino, trung tâm mua sắm, trung tâm hội nghị, triển lãm, trung tâm đào tạo chuyên đề, nghiên cứu khoa học công nghệ tầm cỡ quốc gia và quốc tế và các khu phi thuế quan của cảng hàng không và cảng biển, các làng nghề, trung tâm sản xuẩt nông nghiệp công nghệ cao phục vụ phát triển du lịch.
VietnamPlus