Kỷ niệm 245 năm ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du
Cập nhật: 29/11/2010
Tối 28/11, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức Lễ kỷ niệm 245 năm ngày sinh, 190 năm ngày mất của Đại thi hào Nguyễn Du (1766 – 1820) tại Trung tâm Văn hóa triển lãm thành phố Hà Tĩnh.

Tham dự buổi lễ có các đại biểu: ông Lê Khánh Hải, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch; ông Võ Kim Cự, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh; ông Võ Hồng Hải, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Tĩnh; các ban ngành đoàn thể cùng rất nhiều vị khách quý và nhân dân tỉnh Hà Tĩnh.  

Trong bài diễn văn khai mạc buổi lễ, ông Võ Kim Cự đã nêu  rõ mục đích và ý nghĩa của Lễ kỷ niệm. Đây là dịp để nhân dân Hà Tĩnh nói riêng và nhân dân cả nước nói chung ôn lại cuộc đời và sự nghiệp của Đại thi hào Nguyễn Du, để tự hào hơn về những giá trị văn hóa đặc sắc mà ông và dòng họ đã để lại cho dân tộc. Diễn văn của ông Võ Kim Cự cũng khẳng định những đóng góp to lớn của Nguyễn Du đối với nền văn hóa Việt Nam và thế giới. Ông không chỉ là một nhà thơ, nhà văn lớn mà còn là một danh nhân văn hóa thế giới.  

Tham dự buổi lễ, ông Lê Khánh Hải cũng nhấn mạnh: Nguyễn Du và tác phẩm "Truyện Kiều" là đỉnh cao của văn học nước nhà, được bạn bè quốc tế biết đến và ca ngợi. Ít có tác phẩm nào ngay khi ra đời và cho đến mãi mãi về sau vẫn được nhân dân cả nước yêu chuộng như Truyện Kiều. Tác phẩm chứa đựng sức mạnh của ngôn ngữ và văn hóa dân tộc, sức mạnh của văn chương và nghệ thuật chân chính.  

Trong khuôn khổ các hoạt động của Lễ kỷ niệm, chương trình nghệ thuật mang tên "Trăm năm trong cõi” đã được tổ chức nhằm tái hiện lại toàn bộ cuộc đời của Đại thi hào Nguyễn Du từ khi cất tiếng khóc chào đời trong nhung lụa, lầu son đến cuộc đời phiêu bạt đầy biến cố và đặc sắc nhất là di sản văn hoá “Truyện Kiều” của ông. Qua đó, người xem có thể cảm nhận được cốt cách tâm hồn của thiên tài Nguyễn Du cũng như hình dung được không khí thời đại, không gian văn hóa cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19. Chương trình do nhà văn Nguyễn Khắc Phục viết kịch bản với 20 hoạt cảnh do các diễn viên đến từ Đoàn ca múa nhạc quân đội, Đoàn ca múa nhạc Hà Tĩnh, trường Văn hóa nghệ thuật Hà Tĩnh trình diễn.  

Trước đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh đã tổ chức lễ động thổ tôn tạo nhà thờ Nguyễn Du tại xã Tiên Điền, huyện (Nghi Xuân); khai trương Phòng trưng bày “Những hiện vật, ấn phẩm tiêu biểu về Đại thi hào dân tộc Nguyễn Du” như: cuốn Kiều cổ nhất (khắc in năm 1866), cuốn Kiều dài nhất (viết bằng thư pháp dài 324,5 mét), cuốn Kiều lớn nhất…; trao giải thưởng Văn học nghệ thuật Nguyễn Du lần thứ 5 (2005-2009).  

Lễ kỷ niệm không chỉ là dịp để nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế hiểu sâu sắc hơn về thân thế, sự nghiệp của một danh nhân văn hóa lớn, một đại thi hào dân tộc mà còn góp phần quảng bá cho những giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống của tỉnh Hà Tĩnh.

Phạm Phương (TTTTDL) tổng hợp

TTXVN / VTC