Sài Gòn, nhìn sâu trong thời gian
Cập nhật: 02/12/2010
Hơn 120 mẫu vật ghi nhận tiến trình hình thành, phát triển, hiện đại hóa đô thị Sài Gòn - TPHCM đang được trưng bày tại Bảo tàng TPHCM, kéo dài đến ngày 26/12/2010.

Cuộc triển lãm thu vào trong nó câu chuyện về lai lịch tiến trình hình thành và phát triển của một đô thị với những điều kiện rất riêng qua các thời kỳ.  

Du khách nước ngoài tham quan Triển lãm Khảo cổ học
Qua những mẫu vật thuộc về địa lý, hành chính, thiên nhiên, người xem có được hình dung về một Sài Gòn của trầm tích với những vỉa đá ong thuộc tầng Thủ Đức có niên đại 0,73 - 0,127 triệu năm; những di chỉ về nền văn hóa của người cổ thuộc di tích Bến Đò (Long Bình, Quận 9) là những dụng cụ sinh hoạt bằng đá, gốm có niên đại 3.500 năm; các mẫu vật từ di tích Giồng Cá Vồ là vòng đeo tay, lục lạc, giáo sắt niên đại 2.500 năm; hay đầu chim đất nung thuộc di tích Giồng Phệt (Cần Giờ) niên đại đến 2.100 năm…  

Khảo cổ học TPHCM trong hơn 20 thế kỷ qua được phân thời thành ba giai đoạn: giai đoạn Óc Eo (thế kỷ 1-7); hậu Óc Eo (thế kỷ 8-16); và giai đoạn khám phá, hình thành, phát triển Bến Nghé - Sài Gòn (từ thế kỷ 17 đến giữa thế kỷ 20).  

Những hiện vật có tính tiêu biểu nhất được mang về từ 10 di tích và khu mộ táng như những minh chứng về giá trị trầm tích văn hóa - một đời sống sâu lắng, không thể san phẳng hay xóa dấu bên dưới “tầng vỉa hiện tại” của Sài Gòn hôm nay.  

Sài Gòn với một thương cảng sầm uất, trung tâm dịch vụ thương mại lớn của phương Nam được thể hiện qua loạt hình ảnh tư liệu và những cổ vật quý. Những bức ảnh người Pháp chụp lại chợ Bình Tây vào các năm 1926, 1931 hay chợ trái cây chụp năm 1926… gợi lên không khí Sài Gòn xưa, thuở hình thành những khu thương mại, làm nên nếp sống của lớp thị dân đầu tiên.  

Là một thương cảng, như Trịnh Hoài Đức viết: “Gia Định là chỗ đô hội thương thuyền của các nước. Cho nên, trăm món hàng hóa phải hội tụ về đây” (theo Gia Định thành thông chí), ngay từ sớm, những hoạt động dịch vụ, thương mại ở Sài Gòn đã làm nên một đời sống Sài Gòn đặc trưng. Qua bộ sưu tập về nghề biển và lưu thông đường sông, người thưởng lãm có thể cảm cái hồn thương cảng xưa qua những mỏ neo, móc cẩu, những loại đèn tàu, la bàn... Trong khi đó, những hiện vật, công cụ sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp từ đóng tàu, nghề mộc, kim hoàn, gốm, nấu sáp, đúc đồng, dệt may… cũng giúp hình dung thêm về những làng nghề góp phần làm nên diện mạo Sài Gòn xưa, và nhiều trong số đó nay đã không còn.    

Sự phát triển của đời sống thương mại dịch vụ cũng là một câu chuyện dài và đầy thú vị mà triển lãm này cung cấp cho người xem. Từ phương thức giao dịch thanh toán, các loại tiền, hóa đơn, giấy giao kèo, thẻ thu tô, thẻ đếm bao, bàn tính, biên lai cho đến những chiếc thẻ ATM mang trong nó tiến trình, diện mạo kinh tế, văn hóa và chính trị của từng thời kỳ phát triển của đất và người Sài Gòn. Đặc biệt, câu chuyện làm thương hiệu từ những bánh xà bông thơm hiệu cô Ba của nhà kỹ nghệ Trương Văn Bền (thành lập 1925), hay những doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao hôm nay cũng trải qua một chặng đường dài của nhận thức, không tách rời không khí từng thời đại.  

Hai gian triển lãm trưng bày những hiện vật thời kháng chiến trong các giai đoạn 1945-1954 và 1954-1975 sẽ gợi lại những ký ức về một Sài Gòn quật cường.  

Sài Gòn cần được cư dân hiện đại của nó nhìn bằng chiều sâu của thời gian và không gian qua những cuộc triển lãm khảo cổ học như thế này. Bởi khi nhìn được vào chiều sâu đó, những thị dân sẽ thấu hiểu, biết trân quý giá trị di sản Sài Gòn, để biết lắng nghe trong quá trình xây dựng hiện đại hóa thành phố.

Thời báo Kinh tế Sài Gòn