Sự phong phú của lễ hội ở Phú Thọ vừa là nét đẹp văn hóa dân tộc, vừa là một trong những sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Việc gắn văn hóa lễ hội với phát triển du lịch là cơ sở để tin rằng Phú Thọ - vùng đất tươi đẹp, hiền hòa và giàu bản sắc văn hóa dân tộc sẽ thực sự trở thành điểm đến thú vị thu hút bước chân của du khách muôn phương.
Vùng đất có hàng trăm lễ hội
|
Lễ hội Đền Hùng |
Phú Thọ là vùng Đất Tổ giàu truyền thống lịch sử và văn hóa với kho tàng văn hóa dân gian vô cùng phong phú, đa dạng. Đó là hệ thống các di tích lịch sử văn hóa, các lễ hội, diễn xướng dân gian, truyện kể, thơ ca… Trong đó, lễ hội chiếm vị trí hết sức quan trọng trong đời sống văn hóa tâm linh vùng Đất Tổ. Với tổng số hơn 100 lễ hội được tổ chức hàng năm đã thu hút hàng triệu du khách đến tham dự, tiêu biểu như: Lễ hội Đền Hùng, Lễ hội Đền Mẫu Âu Cơ, Hội Phết Hiền Quan, Lễ hội Trò Trám…
Mở đầu cho một năm lễ hội của Phú Thọ là Lễ hội Đền Mẫu Âu Cơ được tổ chức vào mồng 7 tháng Giêng âm lịch. Năm 1991, Bộ Văn hóa Thông tin đã cấp bằng công nhận di tích lịch sử văn hóa Quốc gia đền Mẫu Âu Cơ. Đây là một trong những ngôi đền có giá trị lịch sử kiến trúc và là di sản văn hóa lớn của dân tộc.
Sau khi lắng lòng mình thành kính trước đền thờ thánh mẫu Âu Cơ, du khách sẽ có cơ hội được tham dự lễ hội Trò Trám của xã Tứ Xã - huyện Lâm Thao tổ chức vào ngày 12 tháng Giêng. Trò Trám là lễ hội trình nghề, mua vui cho mọi người trong dịp đầu xuân. Với những nội dung diễn xướng phong phú, với hình thức thể hiện rất khôi hài thông qua cách bố trí đạo cụ của trò diễn đã gây nên những tiếng cười sảng khoái, làm tiêu tan những nỗi mệt nhọc sau một năm làm ăn vất vả.
|
Lễ hội Trò Trám |
Lễ hội Trò Trám là một trong những lễ hội cổ xưa nhất được lưu truyền đến ngày nay và sống mãi trong lòng nhân dân, trong đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng, đồng thời tạo nguồn động lực mạnh mẽ động viên mọi tầng lớp nhân dân vượt lên mọi khó khăn để tồn tại và phát triển.
Khi những tiếng cười sảng khoái còn chưa dứt, du khách lại có cơ hội được đắm mình trong không khí tưng bừng, nhộn nhịp và lung linh màu sắc của hội Phết Hiền Quan - huyện Tam Nông. Hội Phết là lễ hội tiêu biểu trong kho tàng văn hóa dân gian vùng Đất Tổ. Lễ hội mang tính tưởng niệm sâu sắc bởi nó được đặt trong một hệ thống các lễ nghi và các trò diễn liên kết như phân lương, duyệt bia, kéo quân, điểm binh, đánh Phết để nhớ lại cuộc khởi nghĩa của Thiều Hoa - một nữ tướng của Hai Bà Trưng trên đất Phú Thọ. Hội Phết cũng là hội làng mang tính thể thao vui khoẻ, hấp dẫn, giàu tinh thần thượng võ và có tính xã hội hóa cao, góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
|
Lễ hội bơi chải Bạch Hạc |
Một trong những lễ hội của tỉnh Phú Thọ có sức hút lớn đối với du khách nữa là lễ hội Bơi chải Bạch Hạc –TP. Việt Trì. Hàng năm, lễ hội Bơi Chải đã thu hút đông đảo nhân dân địa phương và du khách thập phương về dự. Bạch Hạc là vùng đất cư trú của người Việt cổ, còn lưu giữ nhiều truyền thuyết về thời đại Hùng Vương và nhiều di tích có giá trị đã được xếp hạng cấp quốc gia, cấp tỉnh.
Đến với Phú Thọ là đến với cội nguồn của dân tộc, nơi khởi hành của lịch sử văn hóa dân tộc. Và còn hàng trăm lễ hội truyền thống khác mang đậm bản sắc văn hóa cổ truyền của dân tộc đang chờ đón du khách đến tham dự.
Khai thác tiềm năng phát triển du lịch qua các lễ hộiTP. Việt Trì là một trong hai thành phố trong cả nước được Chính phủ đồng ý xây dựng thành thành phố lễ hội của cả nước. Phát huy lợi thế đó, UBND tỉnh Phú Thọ đã phê duyệt “Dự án phục dựng các lễ hội truyền thống tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2006 – 2010” và Đề án “Xây dựng điểm du lịch, tạo tuyến du lịch trên địa bàn tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2009 – 2010”, với mục đích bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể đặc sắc vùng Đất Tổ, khai thác tiềm năng và thế mạnh của văn hóa cội nguồn, phục vụ phát triển du lịch.
Tỉnh Phú Thọ cũng xác định tập trung khai thác tiềm năng du lịch thông qua các hoạt động lễ hội, du lịch sinh thái, ẩm thực, nghỉ dưỡng, mà khởi đầu là chương trình du lịch về cội nguồn do ba tỉnh Phú Thọ - Yên Bái – Lào Cai phối hợp tổ chức. Lễ hội Đền Hùng đã được chọn là điểm nhấn của tour du lịch về cội nguồn với việc tạo dựng một hình ảnh thống nhất trong đa dạng của bản sắc văn hóa Việt Nam. Năm Canh Dần – 2010, Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng sẽ được tổ chức quy mô cấp quốc gia. Đây là hoạt động mở đầu cho các hoạt động hướng tới Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Các chương trình hoạt động trong ngày lễ hội được Bộ VHTTDL phối hợp với UBND tỉnh Phú Thọ xây dựng công phu, hoành tráng, giàu ý nghĩa, chắc chắn sẽ hấp dẫn đồng bào, du khách trong và ngoài nước.
|
Du khách tham quan Khu du lịch đầm Ao Châu |
Để Việt Trì sớm trở thành thành phố lễ hội, để tiềm năng du lịch tiếp tục được khai thác hiệu quả hơn, ngành VHTTDL Phú Thọ đang có những nỗ lực mới, đẩy nhanh tiến độ các dự án phục vụ phát triển kinh tế của cả vùng và phục vụ du lịch lễ hội: triển khai quy hoạch chi tiết khu du lịch Đầm Ao Châu - Hạ Hòa, khu Du lịch Văn Lang - Việt Trì, khu Du lịch phía Nam Đền Hùng, khu Du lịch Bạch Hạc - Bến Gót, khu Du lịch Núi Trang, khu Du lịch Nước khoáng nóng Thanh Thủy, khu Du lịch Vườn quốc gia Xuân Sơn; nâng cấp hệ thống nhà nghỉ, khách sạn mang dáng dấp đặc trưng của vùng trung du và là điểm nhấn tạo cảnh quan kiến trúc đặc trưng của vùng trung du trong lòng thành phố du lịch - lễ hội. Hiện nay, các sản phẩm du lịch của Phú Thọ ngày càng phong phú, đa dạng hơn, chất lượng dịch vụ được đầu tư nâng cấp, một số khu, tuyến, điểm du lịch mới đi vào hoạt động, khai thác khá hiệu quả các giá trị văn hóa cổ truyền nên đã tạo sức hút lớn đối với du khách thập phương.
Sự phong phú của lễ hội ở Phú Thọ vừa là nét đẹp văn hóa dân tộc, vừa là một trong những sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Việc gắn văn hóa lễ hội với phát triển du lịch là cơ sở để tin rằng Phú Thọ - vùng đất tươi đẹp, hiền hòa và giàu bản sắc văn hóa dân tộc sẽ thực sự trở thành điểm đến thú vị thu hút bước chân của du khách muôn phương.