Đó là chủ
đề của cuộc Hội thảo diễn ra ngày 5/12 tại Nhà khách tỉnh do UBND tỉnh Bắc
Giang phối hợp với Ủy ban UNESCO, Trung ương Giáo hội Phật giáo và Hội Di sản
Văn hóa Việt Nam tổ chức. Đến dự hội thảo có các đồng chí Bùi Văn Hải, Phó Bí
thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Ngô Trọng Vịnh, Phó Chủ tịch
HĐND tỉnh cùng các giáo sư, tiến sĩ, nhà nghiên cứu, lý luận trong lĩnh vực văn
hóa, phật giáo T.Ư và địa phương.
Năm 1225,
nhà Trần được xác lập. Trần Cảnh lên ngôi vua trở thành vị vua đầu tiên của
triều Trần. Vào thời điểm này, nhà Trần bắt tay khôi phục đất nước, lãnh đạo
quân dân Đại Việt 3 lần đánh tan quân Nguyên Mông. Trong bối cảnh đó, đạo Phật
được quan tâm phát triển. Từ Trần Thái Tông tới Trần Nhân Tông, Phật giáo đời
Trần đã vươn đến đỉnh cao với sự ra đời của "Thiền phái Trúc Lâm Yên
Tử" vào năm 1299. Vị tổ sư thứ nhất của thiền phái này chính là Trúc Lâm
đại đầu đà Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông. Theo lịch sử, Trần Nhân Tông
cùng 2 đệ tử Pháp Loa và Huyền Quang sáng lập phái Thiền tông hay còn gọi là
dòng thiền Trúc Lâm Tam tổ, mở mang hệ thống chùa tháp dọc theo hai sườn dãy
Yên Tử, từ đó lan tỏa xuống vùng đồng bằng Bắc Bộ. Trong đó chùa Vĩnh Nghiêm và
vùng Yên Tử trở thành trung tâm đào tạo tăng đồ cho cả nước Đại Việt, trở thành
chốn tổ để tín đồ Phật giáo các nơi quy về.
Trong những
năm qua, tỉnh Bắc Giang đã có nhiều nỗ lực trong công tác bảo tồn các giá trị
di sản văn hóa chùa Vĩnh Nghiêm cùng hệ thống chùa tháp Tây Yên Tử. Từ năm 1990
đến nay đã đầu tư hàng chục tỷ đồng cho công tác quy hoạch, trùng tu tôn tạo
các hạng mục, trong đó gần nhất là việc Tư liệu hóa kho mộc bản Kinh Phật, lập
hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới.
Trên cơ sở
mục đích, ý nghĩa của hội thảo, tại đây các đại biểu đã trình bày nhiều tham
luận, được chia làm 3 chủ đề chính: Quá trình hình thành và phát triển tư tưởng
thiền phái Trúc Lâm; Chùa Vĩnh Nghiêm - Trung tâm Phật giáo nổi tiếng của Thiền
phái Trúc Lâm; Kho mộc bản kinh Phật chùa Vĩnh Nghiêm và Công tác bảo tồn, phát
huy di sản văn hóa về Thiền phái Trúc Lâm. Với các chủ đề ấy, các ý kiến tham
luận và phản biện cụ thể tập trung phân tích, làm rõ tư tưởng Phật giáo Trần
Nhân Tông - con đường thiền tâm đi vào cuộc sống; Thiền phái Trúc lâm với
thuyết pháp Tam hợp. Cũng có ý kiến gắn kết tư tưởng tam tông của Phật hoàng
Trần Nhân Tông và tư tưởng Tức tâm, tức phật của Lục Tổ Huệ Năng; phân tích về
địa lý, phong thủy chùa Vĩnh Nghiêm; công tác bảo quản kho mộc bản kinh Phật
trong chùa; những tìm hiểu bước đầu về các ngôi chùa cổ trên các ngọn núi thuộc
sườn Tây dãy Yên Tử…
Các tham
luận đều là những nghiên cứu khoa học, ý kiến đánh giá, tổng kết sâu sắc của
các nhà quản lý, nghiên cứu Trung ương và địa phương về giá trị của trung tâm
Phật giáo Vĩnh Nghiêm, vai trò của Phật hoàng Trần Nhân Tông đối với sự ra đời
của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, những đóng góp của dòng Thiền này trong quá
trình phát triển Phật giáo ở Việt Nam. Các nghiên cứu đều dựa trên những nguồn
sử liệu được ghi chép thành văn bản, khắc trên bia đá, mộc bản kinh Phật, do đó
bảo đảm tính chính xác và khoa học của các thông tin lịch sử.