Các điểm du
lịch hiện nay ở Sóc Trăng đã và đang tiếp tục thu hút du khách là Chùa Dơi,
chùa Đất Sét, chùa Chén Kiểu, Nhà Trưng bày văn hoá dân tộc Khmer, Hồ Nước
Ngọt….
Ngoài ra,
còn có một số điểm đến khác khá hấp dẫn như Vườn cò Tân Long, cồn Mỹ Phước,
chùa Bốn Mặt, Khu Di tích đón đoàn tù chính trị Côn Đảo, chùa La Hán, cùng một
số làng nghề truyền thống mây, tre, đan lát, vẽ tranh trên kiếng; làng nghề
bánh Pía… Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Sóc Trăng cũng vừa công nhận Cty
TNHH chế biến thực phẫm bánh Pía-lạp xưởng Tân Huê Viên đạt chuẩn cơ sở Điểm
đến du lịch của tỉnh. Đây là lò bánh có khuôn viên rộng để đậu xe, hướng dẫn du
khách tham quan dây chuyền sản xuất bánh pía, lạp xưởng khi có nhu cầu, đồng
thời thưởng thức và mua hàng đặc sản. Đến nơi đây du khách có thể chiêm ngưỡng
thêm về nghệ thuật trang trí hoa, cảnh, các khối đá, các sản phẩm thủ công từ
mây, tre, trúc . . .
Theo thống
kê, tỉnh Sóc Trăng có 95 đơn vị tài nguyên du lịch, trong đó đã và đang đưa vào
khai thác phục vụ khách tham quan du lịch là 18 đơn vị. Ngoài việc chỉ đạo nâng
chất một số điểm du lịch hiện có, một số đơn vị tài nguyên đang được tỉnh xem
xét, tiếp tục đầu tư và kêu gọi đầu tư để xây dựng các khu du lịch trọng điểm
hấp dẫn của tỉnh và của khu vực.
|
Khu du lịch Bình An |
Để tiếp tục
nâng chất điểm đến và thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp du lịch, Chủ tịch UBND
tỉnh Sóc Trăng đã có Quyết định số 526/QĐHC-CTUBND ngày 26/5/2008 phê duyệt Dự
án điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Sóc Trăng đến
năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020. Theo đó, tỉnh Sóc Trăng sẽ ưu tiên phát
triển các loại hình du lịch văn hóa lễ hội, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, phát
huy lợi thế của sông nước, vùng biển để tổ chức các mô hình dịch vụ vui chơi giải
trí hấp dẫn. Hàng năm, Sóc Trăng có nhiều hoạt động văn hóa lễ hội của 3 dân
tộc Kinh - Khmer - Hoa gắn liền với đời sống văn hóa tâm linh, tín ngưỡng như
lễ hội Ooc-om-boc và đua ghe Ngo, lễ cúng Phước Biển, lễ hội Nghinh Ông, lễ hội
Cúng Dừa, các lễ hội cúng đình ở các địa phương trong tỉnh; một số loại hình
sân khấu nghệ thuật dân tộc Khmer như Dù Kê, Rô Băm...
Hiện nay,
Sóc Trăng đang tiếp tục đầu tư xây dựng hạ tầng Khu di tích căn cứ Tỉnh uỷ Rừng
tràm Mỹ Phước (huyện Mỹ Tú) , khu văn hóa Hồ Nước Ngọt (TP. Sóc Trăng); Đền thờ
Bác Hồ ở xã An Thạnh Đông (huyện Cù Lao Dung)…; đồng thời kêu gọi đầu tư một số
khu du lịch trọng điểm của tỉnh. Song song đó, tỉnh cũng có kế hoạch trùng tu,
nâng cấp các điểm tham quan, du lịch trong tỉnh . Đặc biệt là tỉnh đang được Bộ
Văn hóa Thể thao và Du lịch hỗ trợ thực hiện đề án nâng cấp, xây dựng lễ hội
Ooc-om-boc và đua ghe Ngo trở thành Festival cấp quốc gia. Hệ thống bờ kè theo
đường đua và khán đài 3.000 chỗ ngồi đã được xây dựng với kinh phí hàng chục tỷ
đồng.
|
Chùa Dơi |
Điều phấn
khởi là dự án Khu Du lịch cồn số 3 Song Phụng và dự án Khu Du lịch Hồ Bể (Vĩnh
Châu) đã có một vài doanh nghiệp đăng ký khảo sát và chờ UBND tỉnh phê duyệt
phương án đầu tư. Ngoài ra, còn có các dự án Tuyến du lịch hạ lưu sông Hậu, dự
án Khu Du lịch rừng bần An Thạnh Nam, tuyến du lịch biển bằng tàu cao tốc từ
Kinh Ba (huyện Trần Đề ) đi Côn Đảo. Ngoài dự án Tuyến du lịch hạ lưu sông Hậu
đã được phê duyệt đề cương, hai dự án còn lại đã và đang được hoàn chỉnh trình
UBND tỉnh phê duyệt phương án kêu gọi đầu tư.
Cùng với sự
phát triển các điểm đến và kêu gọi đầu tư các dự án du lịch, cơ sở hạ tầng du
lịch của tỉnh ngày càng được cải thiện. Số khách sạn của tỉnh tăng hơn 6 lần so
với đầu năm 2000, với 28 cơ sở lưu trú, trong này có 1 khách sạn 3 sao, 7 khách
sạn 2 sao, đủ đáp ứng nhu cầu của du khách. Các dịch vụ ăn uống, đi lại đều
phong phú và thuận tiện hơn. Có khá nhiều hội nghị hội thảo, các giải thể thao
toàn quốc... được tổ chức thành công tại Sóc Trăng. Các tour, tuyến du lịch
được 3 công ty du lịch trên địa bàn tỉnh mở mới, đi khắp nơi trong nước và cả
nước ngoài. Dĩ nhiên, để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư và các
doanh nghiệp, cần có sự đầu tư thêm nữa về cơ sở hạ tầng từ nguồn kinh phí của
Nhà nước cũng như có cơ chế chính sách thông thoáng cho việc đầu tư phát triển
các khu, điểm du lịch và dịch vụ du lịch.
Mặt khác, Sóc Trăng cũng cần quan tâm
hơn nữa đến vấn đề bảo vệ môi trường, an ninh trật tự cũng như nhiệm vụ đào tạo
nguồn nhân lực cho ngành du lịch, trong đó khâu hướng dẫn viên, thuyết minh
viên ở các điểm du lịch chiềm vị trí khá quan trọng. Ngoài ra, việc nâng cao
chất lượng và làm mới các sản phẩm lưu niệm, các đặc sản ẩm thực của Sóc Trăng
cũng là một trong những yêu cầu hết sức cần thiết.
Với việc
triển khai thực hiện các nội dung của Dự án điều chỉnh, bổ sung quy hoạch chiến
lược phát triển du lịch của tỉnh từ nay đến năm 2020, tin tưởng rằng, trong
tương lai không xa, nhất là khi các dự án du lịch trọng điểm được triển khai và
đưa vào hoạt động, du lịch Sóc Trăng sẽ thu hút thêm nhiều du khách các vùng
trong cả nước và khách quốc tế, các dịch vụ kèm theo sẽ được mở rộng, góp phần
giải quyết lao động và việc làm, tăng thêm nguồn thu cho xã hội, doanh nghiệp
và ngân sách. Và như vậy, du lịch Sóc Trăng sẽ vươn lên cùng với đà phát triển
du lịch chung của các tỉnh trong khu vực và cả nước.