Bát Xát: “Đánh thức” tiềm năng du lịch
Cập nhật: 07/12/2010
Huyện Bát Xát (Lào Cai) có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, nhưng nhiều năm qua, huyện chưa chú trọng đầu tư, vì thế, du lịch chưa phát triển. Năm 2011, Bát Xát sẽ khởi động các tuyến du lịch độc đáo, hứa hẹn "đánh thức" tiềm năng du lịch của địa phương.

Tiềm năng lớn

                          Hang động Mường Vi

Mặc dù không thể so sánh với những trung tâm du lịch lớn của tỉnh như: Sa Pa, Bắc Hà, nhưng Bát Xát cũng có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, thu hút du khách trong và ngoài nước. Trên địa bàn còn giữ được những cánh rừng già nguyên sinh với hệ động - thực vật phong phú ở các xã vùng cao như: Ý Tý, Mường Hum, Dền Sáng, quần thể hang động Mường Vi được công nhận là Di tích danh thắng quốc gia; đặc biệt, cá suối Mường Hum là đặc sản nổi tiếng. Đi dọc theo tuyến biên giới qua địa bàn các xã Bản Vược - Cốc Mì - Trịnh Tường - A Mú Sung - A Lù - Ý Tý, đâu đâu cũng là núi non hùng vĩ, nhìn sang là ngút ngàn đồi núi của hai huyện Hà Khẩu, Kim Bình (Trung Quốc). Dừng chân ở A Mú Sung, du khách thỏa sức ngắm nhìn nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt. Thiên nhiên đã ban tặng cho Bát Xát vẻ đẹp kì thú, mùa nào thức nấy, hoa trái xum xuê… tạo tiền đề để phát triển loại hình du lịch sinh thái.

Với đặc thù là một huyện vùng cao, biên giới, nhiều dân tộc, Bát Xát còn có tiềm năng để phát triển du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa - lịch sử. Bát Xát là huyện duy nhất trong tỉnh có tuyến đường nối liền 10 xã biên giới và 6 xã nội địa, tạo thành vòng tròn khép kín. Tuyến đường Hoàng Liên Sơn 1 nối giữa xã Bản Xèo và Tả Giàng Phìn (huyện Sa Pa) thuận lợi cho việc thành lập tour du lịch Lào Cai - Bát Xát - Sa Pa. Các chợ phiên: Mường Hum, Bản Xèo, Ý Tý, Trịnh Tường, Cốc Mì còn giữ được bản sắc riêng của các dân tộc thiểu số. Thôn San Lùng (Bản Xèo), làng nghề nấu rượu thóc truyền thống nổi tiếng của dân tộc Dao đỏ. Mường Hum nổi tiếng với bản làng của người Giáy, còn đó nhiều nếp nhà cổ và điệu múa quạt hấp dẫn. Ý Tý đang hút khách du lịch về bản Hà Nhì với lễ hội Gắt tu tu, Khô già già độc đáo… Cốc Mì chào đón du khách bằng phong tục tập quán mang đậm bản sắc của dân tộc Cao Lan… Mỗi xã, thôn, bản đang góp thêm vào bức tranh sinh hoạt văn hóa vùng cao một nét chấm phá riêng. Tham dự vào những sinh hoạt mang tính cộng đồng ấy, du khách sẽ được trải nghiệm cuộc sống vùng cao Bát Xát mà không đâu có được.

Biến tiềm năng thành hiện thực

Nhận thấy tầm quan trọng của ngành "công nghiệp không khói", huyện Bát Xát đã và đang xây dựng kế hoạch phát triển du lịch theo hướng bền vững. Cuối năm 2010, huyện sẽ thành lập các đoàn khảo sát có sự tham gia của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, đại diện một số doanh nghiệp, các hãng lữ hành quốc tế, đại diện một số đơn vị tỉnh, thành phố ở khu vực miền núi phía Bắc để cùng hợp tác, đầu tư xây dựng các tour du lịch cụ thể. Theo dự kiến, đầu quý I/2011, Bát Xát sẽ chính thức khởi động tuyến du lịch cộng đồng đầu tiên (Lào Cai - Mường Vi - Bản Xèo - Mường Hum). Tuy nhiên, để mở ra hướng phát triển du lịch bền vững, công việc còn nhiều bộn bề. Ông Bùi Văn Tiến, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện cho biết: Trước mắt, Bát Xát cần phải hoàn thiện những hồ sơ, thủ tục về mặt pháp lý để mở tuyến; khẩn trương sửa chữa, nâng cấp hệ thống đường giao thông liên xã, liên thôn; đầu tư kết cấu hạ tầng tại các điểm du lịch trọng yếu; xây dựng đội ngũ hướng dẫn viên du lịch đáp ứng yêu cầu; tuyên truyền, quảng bá du lịch địa phương để thu hút du khách; xúc tiến đầu tư và vận động nhân dân các dân tộc mạnh dạn làm du lịch; đẩy mạnh bảo vệ môi trường sinh thái, gìn giữ và bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc…

Việc khởi động Đề án phát triển du lịch sẽ mở ra nhiều cơ hội để Bát Xát phát triển kinh tế - xã hội. Với quyết tâm của chính quyền và sự đồng thuận của nhân dân, trong tương lai không xa, Bát Xát sẽ trở thành một điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
Báo Lào Cai