Ninh Bình
là tỉnh có nhiều di tích lịch sử, nhiều cảnh quan thiên nhiên và bản sắc văn
hóa hấp dẫn để phát triển mạnh ngành du lịch.
|
Khu du lịch Tràng An |
Phát huy
lợi thế đó, trong những năm qua, tỉnh ta đã tập trung đầu tư phát triển du lịch
một cách đồng bộ trên cả 3 lĩnh vực: Xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sản
phẩm du lịch và xây dựng đội ngũ nhân viên ngành du lịch. Ngày 13-7-2009, Ban
Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa 19 đã ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TU về phát triển
du lịch Ninh Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Với sự quan tâm chỉ
đạo sát sao và đầu tư thích đáng, các hoạt động dịch vụ, du lịch của tỉnh liên
tục phát triển, doanh thu du lịch năm 2010 ước đạt 559 tỷ đồng, tăng 8,8 lần so
với năm 2005.
Tuy nhiên,
kết quả hoạt động du lịch đạt được chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của
tỉnh, chất lượng dịch vụ chưa cao. Khách lưu trú, đặc biệt là khách quốc tế ở
lại Ninh Bình ít. Ninh Bình thiếu các khu nghỉ dưỡng, khách sạn, các khu vui
chơi giải trí cao cấp mang tầm cỡ quốc tế. Bên cạnh đó, tỉnh ta cũng chưa tạo
được sản phẩm du lịch độc đáo, đặc trưng, thu hút nhiều khách đến với Ninh
Bình; công tác xúc tiến quảng bá du lịch còn yếu, chưa đáp ứng với yêu cầu,
nhiệm vụ.
Nghị quyết
số 15 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã xác định rõ: “Du lịch là ngành kinh tế
tổng hợp, phát triển du lịch là trách nhiệm của các cấp, các ngành và của mỗi
người dân. Phát triển du lịch bền vững, từng bước đưa du lịch sớm trở thành
ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy
nhiều ngành, nhiều lĩnh vực cùng phát triển…”. Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh
lần thứ 20 cũng đã thông qua phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ
yếu của nhiệm kỳ 2010-2015, trong đó có các mục tiêu, giải pháp về phát triển
du lịch: Đưa kinh tế du lịch vào thời kỳ tăng tốc, để du lịch thực sự trở thành
ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Mục tiêu đặt ra là phấn đấu khách du lịch đến
năm cuối nhiệm kỳ đạt 6.000.000 lượt khách, khách lưu trú đến năm cuối nhiệm kỳ
đạt 1.000.000 lượt khách.
Các giải
pháp chủ yếu để đạt được mục tiêu trên là: Phải chú trọng công tác quy hoạch,
công tác quản lý Nhà nước về du lịch, đảm bảo hài hòa giữa phát triển du lịch với
văn hóa, bảo vệ tài nguyên và môi trường; đặc biệt chú ý công tác đào tạo đội
ngũ những người làm công tác du lịch theo hướng chuyên nghiệp; thực hiện nếp
sống văn hóa, văn minh tại các khu, điểm du lịch tạo ấn tượng tốt đối với du
khách; nghiên cứu cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển hạ tầng du lịch, dịch
vụ du lịch.
Với sự tập
trung lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, sự nỗ lực phấn đấu của
các cấp, các ngành và của mỗi người dân, tin tưởng rằng, trong thời gian tới,
kinh tế du lịch của tỉnh sẽ ngày càng phát triển, đưa Ninh Bình trở trành một
trong những trung tâm du lịch trọng điểm của cả nước.