Rất có ý
nghĩa khi tổ chức ICOM (Hiệp hội Bảo tàng Quốc tế) năm 2005 đã đưa ra chủ đề
“Bảo tàng nhịp cầu văn hóa” giữa các cộng đồng người như là một cách nhìn nhận
mới về chức năng của bảo tàng ở thời đại ngày nay.
|
Bảo tàng Hà Nội |
Theo hướng
đó, bảo tàng gắn với du lịch và phục vụ du lịch là một nhiệm vụ, một phương
thức quan trọng để thực hiện xã hội hóa và phát huy tác dụng xã hội của bảo
tàng một cách hiệu quả nhất. Điều ấy đưa đến một nhận thức rằng trong bối cảnh
hội nhập chủ động cùng xu thế toàn cầu hóa hiện nay, bảo tàng với các phương
thức năng động của mình thông qua hoạt động du lịch có thể trở thành những
thiết chế văn hóa giáo dục đặc biệt, không những là nơi lưu giữ, tuyên truyền
quảng bá các giá trị di sản văn hóa mà còn là “cầu nối” công chúng với quá khứ
và tương lai, là “cầu nối” giữa các cộng đồng người vốn có bản sắc văn hóa rất
khác nhau. Ngoài chức năng nghiên cứu khoa học và giáo dục truyền thống xưa
nay, bảo tàng hiện đại còn là một trung tâm thông tin, giải trí…với đầy đủ ý
nghĩa của nó trong cái mà người ta vẫn gọi là “Xã hội thông tin và nền kinh tế
tri thức” thông qua phương thức đó...
Xét về bản
chất, các giá trị lịch sử – văn hóa chính là nhân tố cơ bản tạo nên tính “đặc
sảncho các sản phẩm du lịch, là cái tạo nên sức hút của các điểm du lịch và
cũng là cái cần có để du khách có thể thỏa mãn nhu cầu văn hóa tinh thần của
mình khi đi du lịch. Bảo tàng là nơi có đầy đủ tiềm năng và thế mạnh riêng để
có thể đáp ứng tốt các yêu cầu ấy của du lịch và vì vậy nó có vai trò, vị trí
rất quan trọng trong du lịch. Thực tế du lịch của các nước trên thế giới chứng
minh rõ về điều đó. Thế nhưng liên hệ thực tế nước ta hiện nay với trên 2 triệu
hiện vật gốc trong hơn 100 bảo tàng rải rác khắp nơi, chỉ tính riêng TP. Hồ Chí
Minh đã có cả chục bảo tàng với hàng vạn hiện vật…tất cả là một “kho tàng” vô
giá nhưng hình như việc phát huy các giá trị của “kho tàng” ấy vào hoạt động du
lịch nhìn chung vẫn còn hạn chế. Điều đó có nguyên nhân từ đâu? Do tính chất
còn nặng tư duy và phong cách bao cấp trong tổ chức quản lý hoạt động bảo tàng?
Do chúng ta chưa thấy hết vai trò, chức năng xã hội của bảo tàng trong bối
cảnh, tình hình mới hiện nay ? Hoặc, do chúng ta chưa có sự tập trung đầu tư
đúng mức theo hướng khai thác, phát huy tốt các bảo tàng, đặc biệt là trong du
lịch?... Dù lý do gì đi nữa, tình hình trên đặt ra yêu cầu cụ thể là các bảo
tàng cần phải được nghiên cứu đầu tư nâng cao nhiều hơn về chất lượng để đủ sức
trở thành những “điểm đến” du lịch, đủ sức thu hút đông đảo du khách, đặc biệt
là du khách quốc tế, qua đó phát huy giá trị các bảo tàng như là những sản phẩm
hàng hóa du lịch.
Trước hết
cần phải xác định rằng mỗi bảo tàng dù có lớn đến đâu với số lượng hiện vật gốc
nhiều và có giá trị đến đâu đi nữa… thì vẫn chưa hẳn đã là một điểm đến du
lịch. Để có thể trở thành một “điểm đến” trong hệ thống tour (tuyến điểm) cùng
với các dịch vụ du lịch của nó “đa dạng hóa và nâng cao chất lượng” sản phẩm du
lịch thông qua khai thác các bảo tàng là một trong những giải pháp quan trọng
thực sự.
Theo đó,
giải pháp “đa dạng hóa và nâng cao chất lượng” bảo tàng với tư cách như là một
“điểm (sản phẩm) du lịch” có thể liên quan tới: Số lượng và chất lượng hiện vật
gốc trưng bày; Hình thức trưng bày (màu sắc, đường nét, hình khối, ánh sáng, âm
thanh, phim ảnh… vừa làm nổi rõ giá trị của hiện vật, vừa có giá trị thẩm mỹ
vừa tạo không khí thu hút…); Phương thức trưng bày (phối hợp giữa các hình thức
giới thiệu giá trị hiện vật với các hình thức tạo điều kiện cho sự hòa nhập của
người xem vào các giá trị đó…); Các hình thức tuyên truyền quảng bá (catalogue,
tờ gấp, phim ảnh giới thiệu…); Các dịch vụ phù hợp (các loại hàng hóa mang tính
chất quà lưu niệm như biểu trưng, huy hiệu, hàng thủ công mỹ nghệ; các điều
kiện phục vụ ăn, uống hợp lý…); Các điều kiện, tiện nghi sinh hoạt (nhà vệ
sinh, chỗ đổ xe…)…
Ngoài ra,
phải khẳng định rằng chất lượng “sản phẩm” du lịch bảo tàng chịu sự quyết định
quan trọng bởi những gì thuộc về phần “hồn” toát ra từ các giá trị lịch sử -
văn hóa ẩn chứa trong các hiện vật gốc. Bên cạnh “ngôn ngữ trưng bày” như là
một thứ “tiếng nói” quan trọng toát ra từ các giá trị hiện vật gốc thì nội
dung, phương pháp thuyết minh của đội ngũ thuyết minh bảo tàng với tư cách như
là những hướng dẫn viên du lịch tại bảo tàng có ý nghĩa rất quyết định. Ngôn
ngữ thuyết minh của cán bộ bảo tàng không thể nhằm “dạy” điều gì đó đối với du
khách mà là thông tin để giúp cho du khách tự “học” được cái gì đó thông qua
trải nghiệm (trong nhận thức) bằng chính vốn văn hóa của bản thân họ đối với
các giá trị hiện có của bảo tàng. Tốt nhất là nói rất ít, thậm chí không cần
nói gì mà chủ yếu thông qua các hình thức “trưng bày” sáng tạo giúp cho du
khách tiếp cận nhiều chiều các giá trị lịch sử – văn hóa trong bảo tàng và từ
đó họ có thể chủ động tự rút ra được các nhận thức cần thiết. Điều đó đòi hỏi
hàm lượng trí tuệ, chất lượng thông tin thông qua các Phương thức trưng bày bảo
tàng như đã đề cập ở trên là rất có ý nghĩa. Thực tế các bảo tàng khai thác tốt
trong du lịch ở một số nước trong khu vực và trên thế giới chứng minh rất rõ về
điều này…
Cuối cùng,
yêu cầu “đa dạng hóa và nâng cao chất lượng” sản phẩm du lịch bảo tàng dứt
khoát đòi hỏi phải tránh sự trùng lắp trong nội dung, trong hình thức giữa các
bảo tàng, nhất là ở trên một địa bàn, địa phương cụ thể. Vì yêu cầu này, trong
thực tế hệ thống bảo tàng cả nước nói chung, các bảo tàng ở TP. Hồ Chí Minh nói
riêng chắc chắn cần phải được xem xét lại, thậm chí phải được quy hoạch sắp xếp
lại và nếu cần, có thể sáp nhập lại theo hướng không phải chỉ để khắc phục tình
trạng manh mún, nhỏ lẻ và kém hiệu quả như hiện nay mà còn có thể khai thác,
phát huy tốt nhất các bảo tàng đó (chủ yếu là các hiện vật vốn có trong các bảo
tàng) vào hoạt động du lịch trong tương lai.