Đồng Tháp lưu giữ hơn 200 câu lạc bộ đàn ca tài tử
Cập nhật: 09/12/2010
Bảo Tàng tỉnh Đồng Tháp cho biết, qua khảo sát thống kê trong nhân dân, đến đầu tháng 12/2010 Đồng Tháp còn lưu giữ hơn 200 câu lạc bộ đàn ca tài tử ở các địa phương với 2.200 thành viên tham gia, trong đó có 296 nghệ nhân ở các đẳng cấp vừa sáng tác, vừa ca và đàn. Hiện nay đàn ca tài tử trong nhân dân được lưu truyền, đây là loại hình văn hoá phi vật thể của nhân loại đang được giữ gìn, hiện đang được lưu truyền nhiều nhất ở 2 huyện Lai Vung và Cao Lãnh (Đồng Tháp).

Bảo tàng Đồng Tháp cho biết: Qua việc thống kê nhằm đưa nghệ thuật này vào danh sách di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại, để bảo tồn và phát huy giá trị của loại hình này, động viên quần chúng nhân dân có trách nhiệm trong việc giữ gìn phát huy giá trị di sản, đồng thời quảng bá hình ảnh quê hương Đồng Tháp từ xưa đến nay vẫn còn loại hình này và đang được phát triển ở các thôn,xóm. Các câu lạc bộ đàn ca tài tử sinh hoạt thường niên nhân các ngày lễ, ngày hội và hoạt động nhiều nhất là các ngày giỗ, cúng đình, đám cưới, sinh nhật. Mỗi câu lạc bộ có từ 5-10 người, trong đó có những nghệ nhân tự sáng tác, tự ca và tự đàn, những bài ca sáng tác hướng về ca ngợi quê hương đất nước, ca ngợi Đảng, Bác Hồ; những việc làm , cuộc sống giản dị của người dân Đồng Tháp Mười…  

Qua khảo sát thì đàn ca tài tử được hình thành các thể loại ca và đờn gồm 20 bài tổ : 6 Bắc gồm: Tây thi, Cổ bản, Lưu Thuỷ Trường, Phú lục chấn, Bình bán chấn, Xuân tình chấn hoặc xuân tình điểu ngữ. 3 Nam gồm: Nam xuân , Nam ai, Nam đảo hoặc Đảo Ngũ cung. 4 Oán gồm: Tứ đại oán, Phụng cầu , Giang nam, phụng hoàng. 7 bài lễ gồm: Xàng xê, Ngũ đối thượng, Ngũ đối hạ, Long đăng, Long ngâm, Tiểu khúc và vạn giá. Các nhạc cụ các câu lạc bộ đàn ca tài tử ở Đồng Tháp thường sử dụng: Đàn tranh, đàn cò, đàn kìm, đàn gáo, đàn độc huyền, Long lang và ống tiêu…Loại hình này đang được tỉnh Đồng Tháp giử gìn phát huy giá trị nghệ thuật quảng bá hình ảnh quê hương, đất nước đến khách du lịch nước ngoài đến tham quan,nghe xem đờn ca tài tử ở địa phương nhằm góp phần bảo tồn, xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.

TTXVN/Vietnam+