Hội thảo ''Du lịch đường sắt - Thực trạng và định hướng phát triển''
Cập nhật: 21/12/2010
Trong khuôn khổ Chương trình Hành động quốc gia về du lịch năm 2010, ngày 17/12/2010, tại thành phố Nam Định, Tổng cục Du lịch đã phối hợp với UBND tỉnh Nam Định và Cục Đường sắt Việt Nam tổ chức Hội thảo “Du lịch đường sắt - Thực trạng và định hướng phát triến”.

Tới dự Hội thảo có Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nam Định Bùi Đức Long, lãnh đạo các Vụ, Văn phòng thuộc TCDL, đại diện lãnh đạo Cục Đường sắt Việt Nam, một số ga địa phương, các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các doanh nghiệp lữ hành và nhiều phóng viên đến từ các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và địa phương.

                               Phó Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Mạnh Cường

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Mạnh Cường cho rằng trên thế giới, du lịch bằng tàu hoả đã có từ sớm và đóng vai trò quan trọng trong số các loại phương tiện vận chuyển của khách du lịch. Ở nước ta, hệ thống đường sắt khá phong phú với chiều dài trên 2.600km, một số tuyến đã phát triển mạnh, có ý nghĩa quan trọng đối với hoạt động du lịch, góp phần thu hút lượng khách đi du lịch bằng đường sắt ngày càng nhiều trong những năm gần đây. Tuy vậy, chất lượng sản phẩm du lịch đường sắt chưa đáp ứng kịp với nhu cầu ngày càng cao của du khách. Phó Tổng cục trưởng cũng thẳng thắn nhìn nhận sự phối kết hợp giữa ngành Đường sắt và Du lịch còn hạn chế, chưa tạo được điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hai ngành phối hợp triển khai hiệu quả sản phẩm du lịch đường sắt. Phó Tổng cục trưởng hy vọng qua Hội thảo này, các đại biểu sẽ đóng góp nhiều ý kiến để tìm ra các giải pháp nhằm tăng cường hợp tác giữa các bên và tạo ra những sản phẩm du lịch đường sắt hấp dẫn đối với du khách...

Tại Hội thảo, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nam Định Bùi Đức Long đánh giá cao sự phối hợp của ngành Du lịch và Đường sắt tổ chức Hội thảo này. Đây là dịp tốt để hai ngành cùng các địa phương nhìn nhận đánh giá đúng vai trò, tiềm năng và hiệu quả của giao thông đường sắt đối với sự phát triển của ngành kinh tế du lịch.

                       Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nam Định Bùi Đức Long

Hội thảo đã nhận được nhiều tham luận và ý kiến đóng góp tích cực và thẳng thắn của các đại biểu tham dự.

Ông Nguyễn Tiến Thịnh, đại diện Cục Đường sắt Việt Nam thừa nhận, cơ sở hạ tầng đường sắt còn nhiều hạn chế do đã xây dựng từ lâu. Hiện nay ngành đường sắt mới chỉ duy trì các tuyến đang hoạt động chứ chưa đầu tư nâng cấp và phát triển thêm các tuyến mới. Ông Thịnh cho biết, mục tiêu đến năm 2020, ngành đường sắt phấn đấu chiếm thị phần tối thiểu 13% hành khách, 14% hàng hóa trong toàn ngành giao thông vận tải và 20% vận tải hành khách công cộng tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Ngành đang nghiên cứu xây dựng và ban hành cơ chế khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư và kinh doanh vận tải đường sắt.

Theo ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Giám đốc Sở VHTTDL Nghệ An, để nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch đường sắt cần quan tâm đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng và nhất là đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu của du lịch đường sắt. Bên cạnh đó, xếp hạng sao cho các toa tàu du lịch và các mức giá cả tương ứng cũng là vấn đề nên lưu tâm nghiên cứu.

Về phía các doanh nghiệp lữ hành, các ý kiến cũng cho rằng cần đầu tư nâng cao chất lượng toa tàu, cải thiện chất lượng phục vụ, vệ sinh và an ninh ở nhà ga. Ông Hoàng Văn Tuyên, Giám đốc Công ty cổ phần du lịch quốc tế Lào Cai, cho rằng một trong những vấn đề cần quan tâm là đào tạo ngoại ngữ cho nhân viên làm việc trên tàu, nhằm nâng cao chất lượng phục vụ đối với khách quốc tế đi du lịch bằng tàu hoả.


Ngoài ra, các đại biểu cũng đưa ra nhiều ý kiến liên quan đến những vấn đề về phương thức đặt vé tàu, giá vé, thời gian chạy tàu, các phương tiện hỗ trợ… Phát biểu kết luận Hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Mạnh Cường khẳng định tiềm năng to lớn của đường sắt đóng góp cho ngành du lịch. Tuy nhiên, hạ tầng đường sắt ở nước ta còn yếu so với các nước khác, cần thúc đẩy đầu tư để từng bước nâng cao chất lượng hạ tầng. Cùng với đó là nâng cao chất lượng dịch vụ, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu đề ra hệ thống quy chuẩn một cách cụ thể về nghiệp vụ phục vụ, chất lượng dịch vụ…. Cần tăng cường trao đổi, hợp tác giữa các nhà quản lý, các doanh nghiệp lữ hành và vận chuyển, các nhà đầu tư, và giữa các địa phương để tạo ra sản phẩm du lịch hấp dẫn đồng thời có tính cạnh tranh cao.

Trong thời gian tới, Tổng cục Du lịch sẽ tiếp tục làm việc với các bên liên quan nghiên cứu hoàn thiện khung pháp lý làm cơ sở để triển khai các hoạt động hợp tác giữa hai ngành du lịch và đường sắt, thúc đẩy loại hình du lịch đường sắt ở Việt Nam phát triển, phù hợp với xu hướng phát triển chung trong khu vực và trên thế giới.

Trong khuôn khổ 2 ngày làm việc tại tỉnh Nam Định, đoàn cán bộ, doanh nghiệp và phóng viên đã đi khảo sát một số điểm du lịch nổi tiếng trên địa bàn: Làng nghề cây cảnh Vị Khê, khu di tích lịch sử - văn hóa đền Trần, Phủ Dày… và thưởng thức một số loại hình nghệ thuật sân khấu đặc sắc của địa phương như chèo, chầu văn, ca trù…




                                                                                                       Truyền Phương (TTTTDL)