Du lịch Uông Bí: Giàu tiềm năng, sẵn lợi thế
Cập nhật: 28/12/2010
Uông Bí được thiên nhiên ban tặng cho những món quà tuyệt vời. Là một thị xã công nghiệp, có vị trí địa lý giao thông thuận lợi, tài nguyên thiên nhiên phong phú, sở hữu nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế toàn diện, trong đó đặc biệt là tiềm năng phát triển du lịch.

Du lịch tâm linh gắn với du lịch sinh thái là hướng phát triển trọng tâm của du lịch Uông Bí. Trong những năm gần đây, các khu du lịch của thị xã, đặc biệt là khu di tích lịch sử văn hóa và danh thắng Yên Tử đã và đang từng bước được quy hoạch, đầu tư phát triển. Ngành "Công nghiệp không khói" của Uông Bí trong năm 2011 này đang phấn đấu để có những bứt phá, xứng đáng là 1 trong 4 trung tâm phát triển du lịch trọng điểm của Quảng Ninh.

Nói đến du lịch Uông Bí, điều đầu tiên phải kể đến đó là khu du lịch Yên Tử. Hệ thống di tích này bao gồm từ chùa Bí Thượng đến chùa Đồng với hàng chục ngôi chùa và hàng trăm am, tháp đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa quốc gia. Đây là khu di tích kiến trúc đời Trần, gắn liền với lịch sử của Thiền phái Trúc Lâm. Khu du lịch Yên Tử có diện tích rừng đặc dụng nguyên sinh và là điểm du lịch văn hóa, tín ngưỡng, Trung tâm Phật giáo của Việt Nam. Trong nhiều năm qua, khu du lịch Yên Tử đã được nhà nước, tỉnh, thị xã quan tâm bảo vệ, giữ gìn cảnh quan, môi trường, đầu tư xây dựng, trùng tu, sửa chữa lại các ngôi chùa, am tháp, nơi thờ tự và nâng cấp, mở rộng các công trình giao thông, dịch vụ. Điều này đã tạo điều kiện thuận lợi, đảm bảo phục vụ du khách an toàn, chu đáo.

Để mở rộng phát triển khu di tích, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có Tờ trình số 4498/TTr-UBND ngày 24-11-2010 gửi Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án "Mở rộng và phát triển khu Di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử"; trước đó, UBND tỉnh cũng đã có quyết định phân khu chức năng khu dịch vụ hai bên tuyến đường vào Khu di tích lịch sử danh thắng Yên Tử tại phường Phương Đông, Uông Bí. Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng đã ban hành các quyết định phê duyệt phân khu chức năng các khu du lịch sinh thái, vui chơi, giải trí Hồ Yên Trung, Lựng Xanh và bảo tồn tôn tạo Di tích lịch sử chùa Ba Vàng.

Hiện nay, ngoài việc quy hoạch các khu du lịch trọng điểm, TX Uông Bí đã quy hoạch các điểm du lịch vệ tinh làm tăng thêm sự phong phú, đa dạng của môi trường du lịch. Đó là: Hồ công viên, Lễ hội đình Điền Công (xã Điền Công), Chùa Lạc Thanh (phường Yên Thanh), Chùa Phổ Am (Bắc Sơn), Làng văn hóa dân tộc Dao (Thượng Yên Công) và vùng đệm của khu du lịch Yên Tử. Đồng thời, TX Uông Bí cũng đã dần hình thành và ổn định được một số tuyến du lịch, làm cơ sở để các đơn vị kinh doanh lữ hành khai thác phục vụ khách du lịch. Cụ thể như các tuyến: Hà Nội - Hải Phòng - Uông Bí - Hạ Long; Hệ thống di tích thời Trần (Đông Triều) - Di tích và danh thắng Yên Tử- Hệ thống di tích Bạch Đằng (Yên Hưng) v.v...

Cùng với việc quy hoạch các khu, tuyến, điểm du lịch, nhằm thúc đẩy phát triển du lịch, TX Uông Bí đã tập trung đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, cơ sở hạ tầng; thi công xây dựng, trùng tu tôn tạo các di tích lịch sử phục vụ nhân dân và khách du lịch. Hiện nay, khu di tích và danh thắng Yên Tử đã hoàn thành công tác xây dựng cơ bản với nhiều công trình đã được hoàn thiện đưa vào sử dụng như: Hệ thống điện chiếu sáng bến xe Giải Oan và tuyến đường đi bộ từ chùa Giải Oan lên An Kỳ Sinh; nâng cấp hệ thống cáp treo Yên Tử, cải tạo bến xe Giải Oan và điểm mua sắm phục vụ khách du lịch...

Nhờ đẩy mạnh công tác quy hoạch cũng như không ngừng đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, tính hết tháng 11-2010, ngành du lịch Uông Bí đã đón gần 2,2 triệu lượt khách, trong đó khách du lịch tham quan Yên Tử đã đạt 2,1 triệu lượt, doanh thu trên 323 tỷ đồng. Điều đáng nói, bằng các chính sách khuyến khích đầu tư phát triển kinh tế du lịch, TX Uông Bí đã tạo việc làm, có thu nhập ổn định cho 3.000 lao động từ các hoạt động kinh doanh, dịch vụ thuộc lĩnh vực du lịch tại khu du lịch Yên Tử và các điểm du lịch khác trên địa bàn thị xã. Tuy nhiên, để đáp ứng với yêu cầu phát triển của lộ trình thành lập thành phố Uông Bí năm 2011 cũng như tương xứng với tiềm năng, thế mạnh sẵn có của địa phương, ngành du lịch Uông Bí còn rất nhiều việc phải làm. Mà trước hết là việc đầu tư cơ sở hạ tầng, các điểm lưu trú, nhà hàng, khách sạn, điểm mua sắm, sản phẩm du lịch đạt chất lượng cao để "giữ chân" du khách.
Báo Quảng Ninh