Cách đây hơn 50 năm, ngành Du lịch Việt Nam chưa hề có địa chỉ trên bản đồ du lịch khu vực và thế giới. Đến nay, ngành Du lịch đã có vị thế nhất định, Việt Nam trở thành một điểm đến hấp dẫn, thân thiện, hòa bình, được nhiều du khách quốc tế lựa chọn. Đặc biệt, năm 2010 được coi là năm thắng lợi “vàng” của ngành Du lịch Việt Nam.
Năm 2010 diễn ra nhiều sự kiện lớn của đất nước được đánh giá là đòn bẩy kích thích và tạo đà phát triển đối với ngành Du lịch. Có thể điểm qua một số “cơ hội vàng” cho ngành Du lịch năm 2010 như Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, Festival Huế, cuộc thi Hoa hậu Thế giới tại Nha Trang, Liên hoan phim quốc tế, Liên hoan múa rối và xiếc quốc tế...
Bên cạnh đó, năm 2010 còn là năm của những sự kiện lớn như 80 năm Ngày thành lập Đảng cộng sản Việt Nam (3/2/1930 – 3/2/2010), 35 năm Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2010) và 120 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2010)…
Trước thời cơ đó, ngành Du lịch đã tích cực tiến hành công tác xúc tiến, quảng bá hình ảnh Việt Nam ở nhiều thị trường quốc tế với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, trong đó tập trung vào một số thị trường trọng điểm như ASEAN, Tây Âu, Đông Bắc Á, Trung Quốc… với tần suất cao, quy mô lớn.
Đồng thời, trong năm qua, chiến dịch xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam còn mở rộng thêm nhiều đối tượng, trong đó có đông đảo bà con người Việt đang sinh sống ở nhiều nước trên thế giới. Đây vừa là nguồn khách tiềm năng vừa là những người quảng bá, xúc tiến hình ảnh Việt Nam tốt nhất đến du khách quốc tế ở chính nơi họ sinh sống.
Có thể khẳng định, các chiến dịch quảng bá, xúc tiến du lịch năm 2010 đã được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, quy mô lớn, bài bản, có chiều sâu với các sản phẩm có tính cạnh tranh đã góp phần thu hút khách quốc tế.
Ngoài ra, để ứng phó kịp thời với giai đoạn khó khăn, mùa thấp điểm thị trường khách quốc tế, năm 2010, ngành Du lịch phối hợp với một số ban ngành liên quan đã phối hợp thực hiện chiến dịch bán hàng giảm giá “Việt Nam - điểm đến của bạn” nhằm hút khách du lịch.
Nhờ những cố gắng nỗ lực đó, năm 2010, lần đầu tiên, du lịch Việt Nam đạt kỷ lục tăng trưởng về lượng khách quốc tế. Từ 250.000 lượt vào năm 1990, 3,7 triệu lượt vào năm 2009 đã vươn lên 5 triệu lượt năm 2010, tăng 34,8% so với năm 2009. Đối tượng khách du lịch đến Việt Nam bao gồm hầu hết các thị trường nguồn lớn trên thế giới từ Đông Bắc Á, ASEAN, châu Âu, Bắc Mỹ, châu Đại dương cho đến các châu lục khác, trong đó, khách du lịch từ Thái Lan, Nhật Bản, Singapore, Australia chiếm số lượng lớn. Du lịch Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 5 trong khu vực ASEAN về lượng khách quốc tế.
Bên cạnh kỷ lục về lượng khách quốc tế, du lịch nội địa cũng gặt hái được những thành công đáng kể với hơn 28 triệu lượt khách năm 2010. Mùa thấp điểm với du khách nước ngoài lại là mùa cao điểm và thu hút một lượng lớn khách nội địa.
Với doanh thu khoảng 96.000 tỷ đồng, đóng góp 5% GDP cả nước, năm 2010 ngành Du lịch Việt Nam đã khẳng định vị thế của mình với nền kinh tế quốc dân.
Năm 2011, ngành Du lịch đặt ra mục tiêu cơ bản là đón khoảng 5,3 triệu lượt khách quốc tế và phục vụ từ 30 - 31 triệu lượt khách nội địa, doanh thu từ du lịch đạt 110.000 tỷ đồng. Để hoàn thành được mục tiêu này, ngành du lịch sẽ tiếp tục quảng bá, xúc tiến hình ảnh tại các hội chợ du lịch lớn trong nước và quốc tế ngay từ đầu năm. Tổng cục Du lịch đã đề xuất cơ chế với mỗi khách du lịch đến Việt Nam sẽ dành 1 USD để đầu tư trở lại cho hoạt động xúc tiến quảng bá Du lịch Việt Nam ở trong nước và nước ngoài. Tổng cục Du lịch cũng đang gấp rút xây dựng đề án khai thác phát triển thị trường khách tại Pháp, Thái Lan, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Nga.
Phạm Phương (TTTTDL) tổng hợp