Vừa qua, tại TP.HCM, đã khai mạc Hội thảo quốc tế “Nghệ thuật Đờn ca tài tử (ĐCTT) và những lối hòa đàn ngẫu hứng” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tổ chức.
Hội thảo đã thu hút đông đảo các chuyên gia, nhà nghiên cứu, các nghệ nhân, nghệ sĩ am hiểu về lĩnh vực ĐCTT trong nước và nhiều đại biểu đến từ Hàn Quốc, Singapore, Malaysia, Đức, Pháp... 33 tham luận đã được trình bày tại Hội thảo.
Sức lay động của ĐCTT
Đây có thể coi là những bước cuối cùng trong việc lập Hồ sơ ĐCTT trình UNESCO đang được Bộ VHTTDL gấp rút hoàn thành. Hội thảo quy mô quốc tế lần này nhằm đánh giá một cách nghiêm túc, khoa học, đa chiều, đa diện về Nghệ thuật ĐCTT, là cơ sở quan trọng hoàn thiện Bộ hồ sơ quốc gia trình UNESCO trong thời gian tới.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Giám đốc Cơ quan đại diện Bộ VHTTDL tại TP.HCM Nguyễn Văn Tấn nhấn mạnh: “Việc xây dựng hồ sơ để UNESCO công nhận không chỉ nhằm mục đích tri ân thế hệ đi trước trong quá trình mở cõi phía Nam mà còn minh chứng sức sáng tạo mạnh mẽ, độc đáo của cộng đồng. Đề án này cũng minh chứng một điều, trong quá trình đi mở cõi, ông cha chúng ta không chỉ để lại những công trình kiến trúc cho nhân dân mà còn để lại một kho báu quý giá về tinh thần cho dân tộc”.
Trong thời gian qua, Bộ đã chỉ đạo 21 Sở VHTTDL phía nam phối hợp với Viện Âm nhạc nhanh chóng hoàn thành nội dung chủ yếu, quan trọng trong tiến trình lập hồ sơ từ nay đến tháng 3/2011. Sức sống mạnh mẽ của ĐCTT không chỉ đối với người dân Nam Bộ mà “tiếng vang” của nó đã đi vào lòng biết bao du khách nước ngoài đến thăm và tìm hiểu về Việt Nam. Nói về sức lôi cuốn của âm nhạc ĐCTT, ông Sheen Dae- Cheol (Hàn Quốc) đã so sánh ĐCTT Nam Bộ với các loại hình âm nhạc truyền thống khác của Nhật Bản, Hàn Quốc, TQ...
Điều khá lạ kỳ là ĐCTT của Việt Nam, Sanjo và Ariang của Hàn Quốc đều được sáng tạo và ra đời vào cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20. Cho dù là những thể loại mới, ra đời khi văn hóa âm nhạc phương Tây ảnh hưởng mạnh mẽ, chúng vẫn giữ được phong cách âm nhạc truyền thống của chính mình. ĐCTT vẫn giữ được tính chất “tài tử” của nó. ĐCTT là một loại hình nghệ thuật âm nhạc không chuyên, không cần một sân khấu trình diễn đặc biệt... nên dễ đi vào từng ngõ ngách đời sống của người Việt Nam, với những không gian vô cùng khoáng đạt. Nó không quan tâm đến vật chất mà quan tâm đến tinh thần, hòa cảm xúc và tâm hồn vào ĐCTT.
Ông Đặng Hoành Loan, nguyên Viện phó Viện Âm nhạc Việt Nam, người cùng tham gia vào việc điều tra khảo sát ĐCTT tại 14/21 tỉnh thành đã nêu những tín hiệu đáng mừng cho việc lập hồ sơ về ĐCTT. Sau khi tổ chức Hội thảo khoa học ở 14 tỉnh thành, đi điền dã, nghe đầy đủ cách thức sinh hoạt, bảo tồn nghệ thuật ĐCTT ở từng địa phương, nhóm công tác đã nhận được cái nhìn đồng thuận của toàn cộng đồng, thống nhất với Nhà nước đề cử ĐCTT là di sản văn hóa của nhân loại.
Hiện nay, các nghệ nhân, nghệ sĩ giỏi ở các địa phương còn rất nhiều, tập trung chủ yếu ở TP.HCM. Tất cả đều có một quan niệm thống nhất về lý thuyết âm nhạc ĐCTT, về giọng Nam, Bắc; hơi ai, oán sẽ là tư liệu đầy đủ để làm hồ sơ trình UNESCO.
ĐCTT xứng đáng được tôn vinh
Nếu ở Bắc Bộ có Quan họ, Ca trù; ở Tây Nguyên có Không gian Văn hóa Cồng chiêng; Trung Bộ có Nhã nhạc cung đình Huế... được vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại thì ở Nam Bộ có ĐCTT- một loại hình nghệ thuật âm nhạc đặc sắc của dân tộc cũng xứng đáng được quan tâm, bảo tồn và tôn vinh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Tâm huyết với vấn đề này, ông Phạm Sanh Châu - Tổng thư kí UNESCO quốc gia nêu lên ba vấn đề quan trọng trong việc lập Hồ sơ để được UNESCO công nhận. “ĐCTT có sức lay động và đi vào lòng người một cách nhẹ nhàng, ai ai cũng có thể tiếp cận và yêu mến nó. Nếu như Hoàng thành Thăng Long, Hội Gióng... đã được chúng ta tri ân, thì ĐCTT cũng rất cần được như thế. Phải làm cho nghệ thuật ĐCTT đi sâu vào lòng người, không chỉ ở Nam Bộ mà toàn đất nước Việt Nam. Làm cho ĐCTT phải chính thức được thế giới công nhận và bảo hộ theo công ước chung”. Với kinh nghiệm tham dự nhiều cuộc hội thảo trong nước và quốc tế, ông Châu cũng nhấn mạnh tới vai trò cộng đồng của nghệ thuật ĐCTT.
Lịch sử của ĐCTT không dài so với các loại hình âm nhạc truyền thống khác của Việt Nam. Tuy nhiên, nó đã phổ biến được tới đông đảo người dân, đặc biệt là người dân miền Nam hát và thưởng thức. Khi Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức Liên hoan ĐCTT lần 2 tại TP.HCM vào năm 2003, 22 nhóm ở hầu khắp các tỉnh phía nam đã tham gia. Hay cuộc thi viết lời mới cho liên hoan cũng thu hút 300 người tham gia... Cho thấy những nỗ lực chân thành của họ trong việc bảo tồn những giá trị văn hóa phi vật thể của ĐCTT. Nó có giá trị lớn thu hút công chúng châu Á và thế giới. Chính vì vậy, nó cần được ghi nhận như là một kiệt tác Văn hóa phi vật thể và truyền miệng của nhân loại. (Ông Sheen Dae-Cheol, Hàn Quốc) |