Phòng Thương mại - Du lịch TP. Hội An vừa phối hợp với Liên hiệp Khoa học phát triển du lịch bền vững Việt Nam (STDe) tổ chức buổi báo cáo ý tưởng về dự án sản phẩm du lịch Hội An trong mùa mưa bão. Đây là hướng phát triển sản phẩm du lịch độc đáo trong điều kiện thời tiết bất lợi.
“Tài nguyên” mưa bão
|
Vào mùa mưa lũ, phương tiện giao thông duy nhất trong khu phố cổ là thuyền |
Ý tưởng độc đáo của dự án này chính là xem những hiện tượng thời tiết bất thường như: mưa, bão, lụt sẽ là tài nguyên du lịch của Hội An. Theo TS- KTS. Nguyễn Thu Hạnh - Chủ tịch STDe, biến đổi khí hậu toàn cầu sẽ khiến cho các khu du lịch ven biển miền Trung chịu nhiều hậu quả hơn do các yếu tố thiên nhiên bất lợi như: mưa, bão, lụt mang lại. Không thể cưỡng lại những hiện tượng này. Tuy nhiên, theo STDe, đừng hoảng loạn và đừng không làm gì cả mà cần có phương pháp tư duy đột phá, cùng với sự hiểu biết thông thường để khai thác cơ hội từ trong mưa, bão, lụt. Có thể khai thác rất nhiều giá trị tiềm ẩn có được từ trong các yếu tố này để phát triển thành sản phẩm du lịch hấp dẫn và độc đáo.
Dự án đưa ra những ý tưởng cụ thể như: Nhiều loại hình nghệ thuật có thể trở thành sản phẩm du lịch trong khung cảnh trời mưa như: nhạc nước, múa rối nước, nghe thơ, vẽ tranh, chụp ảnh... Trong mưa, những bức tranh phong cảnh về Hội An tạo ra những ấn tượng rất đặc biệt, kích thích đam mê sáng tạo của các họa sĩ và nhiếp ảnh gia. Bên cạnh các sản phẩm du lịch tổ chức trong nhà, các sản phẩm du lịch ngoài trời cũng sẽ thu hút được đối tượng khách là thanh, thiếu niên thích khám phá, mạo hiểm. Mưa to, gió lớn, thậm chí cả bão luôn tạo được cảm xúc mạnh và kích thích trí tưởng tượng của con người. Tại nhiều nước ở phương Tây, đã có những ngôi nhà bằng kính chịu lực được xây dựng để thỏa nguyện sự hiếu kỳ của khách du lịch thích ngắm bão.
|
Mùa mưa lũ cũng là dịp để du khách thỏa sức rong chơi, chụp hình trong phố nước |
Một ý tưởng khá thú vị khác là xây dựng sản phẩm du lịch từ hiện tượng lũ, lụt. Đây là một trong những hiện tượng thiên tai khắc nghiệt mà hầu như năm nào phố cố Hội An cũng phải chịu đựng vài ba lần và phải tốn không ít nhân lực, vật lực để chống chọi, tu bổ, nâng cấp những ngôi nhà cổ trước sự tàn phá của lũ lụt. Thế nhưng, trong những mùa lũ, cũng có không ít du khách bỏ ra nhiều tiền để thuê thuyền xuôi theo dòng nước lũ loanh quanh trong phố cổ, chụp hình những mái nhà rêu phong chìm trong biển nước, khám phá đời sống cư dân Hội An mùa nước lũ. Được ngắm cảnh quan tổng thể của mái nhà cổ Hội An khi nước lũ dâng cao, đi thuyền tham quan các ngõ ngách quanh co của Hội An, dừng chân ở các quán cà phê trên tầng 2 của các ngôi nhà cổ để thưởng thức các loại hình nghệ thuật từ mưa sẽ là một tuyến du lịch đặc thù trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Với nhiều du khách và cả nhiếp ảnh gia, lũ lụt là cơ hội để họ tiếp cận, quan sát và tìm hiểu các giá trị kiến trúc, nghệ thuật của tầng 2, tầng 3 và tầng mái của các ngôi nhà cổ. Khi nước dâng cao, ở tầm quan sát cao hơn, Hội An bất ngờ hiện ra với một diện mạo, cảnh quan mới.
Sản phẩm mớiTrong những năm gần đây, biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến toàn cầu, Việt Nam cũng là một trong những quốc gia bị đe dọa nặng nề. Hiện tượng biến đổi khí hậu đã thể hiện rõ nét trong những mùa mưa bão tại Quảng Nam. Trong hoàn cảnh này, STDe đề xuất ý tưởng xây dựng sản phẩm du lịch tại Hội An vào mùa mưa bão đã tạo được sự quan tâm của nhiều nhà làm du lịch. Đây có thể là ý tưởng táo bạo nhưng rất thực tiễn, có thể triển khai. Tuy nhiên, theo các nhà quản lý du lịch, phương án triển khai cho từng hạng mục sản phẩm cần phải nghiên cứu và xem xét nhiều yếu tố tác động khác nhau để sản phẩm mới hình thành.
Hội An đã thu hút rất nhiều đối tượng du khách khác nhau, đặc biệt là các văn nghệ sĩ, nhiếp ảnh gia. Phố cổ kính, văn hóa đặc sắc, đồng quê bình yên, đầy màu sắc… - những hình ảnh này đã được du khách tuyên truyền rộng rãi trong nước và thế giới. Vào những ngày mưa lũ, phố cổ ngập trong nước lụt càng giúp các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp và không chuyên có nhiều đề tài để sáng tác. Đa số du khách nước ngoài cũng đã tự thuê thuyền đi du lịch trong các con phố khi nước tràn vào. Với cách tham quan phố cổ trong những lúc này thì du khách sẽ có cơ hội tiếp cận gần hơn với kiến trúc cổ, những mái nhà trên cao, quan sát phố cổ từ trên cao, tìm hiểu rõ hơn về nét kiến trúc của Hội An. Đối tượng khách thứ hai cần hướng đến là những tình nguyện viên làm công tác hỗ trợ các địa phương phục hồi, khắc phục mưa bão, thiên tai. Xu hướng du lịch tình nguyện đến giúp đỡ người dân gặp khó khăn, nghèo khó, giáo dục, chia sẻ kinh nghiệm và giúp đỡ phục hồi thảm họa thiên nhiên ngày càng phát triển. Đối tượng khách thứ 3 có thể là những người thích mạo hiểm, trải nghiệm du lịch trong những thời điểm thiên tai khắc nghiệt nhất như xem tâm bão, chụp sét đánh, vượt lũ… Tuy nhóm khách này không nhiều nhưng cũng cần quan tâm trong xây dựng sản phẩm du lịch.
Phần lớn các doanh nghiệp khi nghe về ý tưởng này đều rất hồ hởi và quan tâm. Theo đại diện Công ty Lữ hành quốc tế Hội An (HoiAn Travel), ý tưởng này rất khả thi. Trên thực tế, hiện nay cứ đến mùa lũ, du khách rất thích thú khi đi chụp ảnh phố cổ, đặc biệt là các nhiếp ảnh gia không chuyên và chuyên nghiệp. Trước nhu cầu đó, người dân đã tự phát tổ chức ghe thuyền đưa du khách đi trên phố vào mùa lụt thường không an toàn. Nếu có dịch vụ du lịch bài bản thì sẽ tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra. Bên cạnh đó, nên nhắm đến thị trường khách thứ 2 là du lịch trách nhiệm, du khách rất muốn đến hỗ trợ người dân địa phương để dọn dẹp trong và sau lũ, đây là xu hướng du lịch trách nhiệm mà du khách châu Âu hưởng ứng rất cao. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cũng bày tỏ tâm lý e ngại về hình thức tổ chức. Ví như trong trường hợp khi mùa mưa lũ xảy ra, người dân vùng lũ thường rơi vào cảnh thiếu ăn, thiếu ấm, nếu tổ chức cho du khách trải nghiệm những hình ảnh đó thì dễ gây phản cảm.