Vừa qua, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo khoa học với chủ đề “Giá trị lịch sử của di tích đền An Thọ trong quần thể di tích thắng cảnh Hồ Tây” với sự tham dự của các nhà quản lý, nhà nghiên cứu văn hóa lịch sử của Hà Nội và cả nước.
Phát biểu tại Hội thảo, Tiến sĩ Lê Thị Minh Lý - Phó Cục trưởng Cục di sản văn hóa (Bộ VHTTDL) cho biết, di tích đền An Thọ đã từng bị lãng quên và ngày nay dù đã được hồi sinh song đang phải chịu áp lực của cộng đồng. Do đó, Tiến sĩ Lê Thị Minh Lý đã đưa ra đề xuất đó là: cần phải lập hồ sơ khoa học đầy đủ, làm sáng tỏ những giá trị phi vật thể của đền An Thọ có các chương trình truyền thông, các cuộc đối thoại để nâng cao ý thức bảo vệ di sản trong cộng đồng xác định cơ sở pháp lý để giải quyết vấn đề vi phạm di tích xây dựng các đề án bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị vật thể và phi vật thể của ngôi đền.
Nói về giá trị của di tích đền An Thọ, nhà nghiên cứu về Hà Nội Nguyễn Vinh Phúc khẳng định: Đền An Thọ ngoài việc thờ Bách Linh còn thờ Mẫu Liễu Hạnh và thờ thành hoàng làng Yên Phụ là thánh Linh Lang đời Trần và thân mẫu của ngài là Hoàng hậu Minh Đức. Ngôi đền này cần phải được bảo tồn để duy trì tín ngưỡng thờ phụng những người có công với dân, với nước.
Phân tích mối liên kết hữu cơ và lịch sử của đền An Thọ với cụm di tích danh thắng gồm đình Yên Phụ-chùa Trấn Quốc - đền Cẩu Nhi ở góc Đông Nam hồ Tây, GS. Lê Văn Lan đưa ra ý kiến: Đền An Thọ cần và đang có trở lại “không gian văn hóa” ít nhất cũng là như đã có vào năm 1960, để trên cơ sở đó, chỉnh trang tôn tạo thành một điểm di tích văn hóa, tín ngưỡng xứng đáng với vị thế và truyền thống trong công cuộc phát triển hiện đại của Thủ đô nói chung và vùng góc Đông - Nam hồ Tây nói riêng.
Được biết, Đền An Thọ tọa lạc ở làng Yên Phụ xưa (nay là phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội). Tương truyền, nơi đây vốn là Cung An Thọ, nơi ở của Hoàng hậu Minh Đức thời Trần. Đền An Thọ thờ mẫu Liễu Hạnh và Minh Đức Hoàng Thái Hậu, Chính phi của vua Trần Thánh Tông, là mẹ của ba vị Thành hoàng làng hiện được thờ ở đình Yên Phụ là Uy Linh Lang đại vương và hai em là Vương Đôi đại vương, Vương Ba đại vương. Trong đền còn lưu giữ các đạo sắc phong của vua Đồng Khánh, cùng các chuông, khánh cổ và gần 60 pho tượng quý. Trải qua thời gian, khuôn viên đền An Thọ đã dần bị thu hẹp, di tích cũng chịu nhiều biến đổi.
Có thể nói, việc quy hoạch cảnh quan của di tích là rất cấp thiết, để nơi đây xứng đáng là địa chỉ sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của nhân dân địa phương và du khách, thể hiện sự tri ân của hậu thế với các bậc tiền nhân có công tạo dựng truyền thống văn hiến ngàn năm Thăng Long - Hà Nội.