Hải Dương: Bảo tồn và phát triển nghệ thuật múa rối nước
Cập nhật: 19/01/2011
Với mục tiêu sưu tầm tài liệu về quá trình hình thành và phát triển của 3 phường rối nước, tìm hiểu kỹ năng làm con rối và tổ chức truyền nghề cho các học viên, vừa qua, Sở VHTTDL Hải Dương đã triển khai Dự án “Bảo tồn nghệ thuật múa rối nước”.

Trong những năm gần đây, việc bảo tồn và phát triển nghệ thuật múa rối nước - môn nghệ thuật đặc trưng vùng đồng bằng sông Hồng đã được tỉnh Hải Dương quan tâm.  

Trước cách mạng tháng Tám, tỉnh Hải Dương có 3 phường rối nước là Bồ Dương (nay là Hồng Phong, huyện Ninh Giang), An Liệt (nay là Thanh Hải, huyện Thanh Hà) và Bùi Thượng (nay là Lê Lợi, huyện Gia Lộc). Các phường này đều của tư nhân, do một trùm phường thành lập, điều hành, tổ chức luyện tập và biểu diễn. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, cả 3 phường rối nước này không có điều kiện hoạt động. Hòa bình lập lại, 3 phường này bắt đầu được khôi phục, song cũng chỉ duy trì "cầm cự".    

Dưới ánh sáng của Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về việc xây dựng và phát triển nền Văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, lần lượt các phường rối nước ở Hải Dương được khôi phục. Năm 1992, phường rối nước đầu tiên Hồng Phong được thành lập trên cơ sở nâng cấp từ phường rối nước Bồ Dương. Đến năm 1995, Hiệp hội múa rối nước Việt Nam (UNIMA Việt Nam) đã công nhận phường rối nước Hồng Phong là hội viên của Hiệp hội. Hiện nay, phường có nhà thuỷ đình ở thôn Bồ Dương, đội ngũ diễn viên nhạc công hơn 20 người thuyên xuyên biểu diễn gần 30 tiết mục cổ và hiện đại. Năm 1999, phường rối nước Thanh Hải được thành lập từ phường rối nước An Liệt. Phường hiện có hơn 30 thành viên, 20 tiết mục rối, có nhà thuỷ đình và cũng là hội viên của Hiệp hội UNIMA Việt Nam. Đến năm 2000, thì phường rối nước Lê Lợi là phường cuối cùng của tỉnh Hải Dương được khôi phục trên cơ sở phường rối nước Bùi Thượng. Hiện phường có nhà thuỷ đình và hơn 20 thành viên.  

Cùng với sự khôi phục các phường rồi nước trong tỉnh, mấy năm gần đây, nhiều dự án phát triển nghệ thuật rối nước gắn với du lịch, các lễ hội văn hoá được tỉnh Hải Dương đầu tư thực hiện. Ngoài ra, còn có sự hỗ trợ về nhiều mặt từ Quỹ phát triển Văn hoá Việt Nam - Thuỷ Điển, quỹ Ford, của Hiệp hội UNIMA Việt Nam... đã giúp đỡ cho 3 phường rối có điều kiện hoạt động. Tuy nhiên, trong cơ chế thị trường hiện nay, 3 phường rối còn gặp phải không ít khó khăn trong việc duy trì và phát triển môn nghệ thuật truyền thống này. Theo thống kê, 3 phường hiện có hơn 80 con rối trong các tiết mục đang biểu diễn cần được thay thế. Đặc biệt, điều khiến các phường rối nước trăn trở lại chính là nguy cơ không có người kế nghiệp. Bởi thanh niên ở các địa phương hầu hết đi làm ăn xa, số còn lại không mặn mà với môn nghệ thuật này.  

Để môn nghệ thuật múa rối nước được bảo tồn và phát triển bền vững, Sở VHTTDL Hải Dương đã triển khai Dự án “Bảo tồn nghệ thuật múa rối nước”. Dự án đã bổ sung 20 con rối thay thế các con rối đã bị xuống cấp cho mỗi phường, nhất là bổ sung thêm những học viên mới đã được trang bị đầy đủ kiến thức và có khả năng tự tạo ra sản phẩm rối cho các tiết mục của mình. Bên cạnh đó, các học viên sau khi được truyền nghề đã tiếp nhận được đầy đủ quá trình làm con rối và trực tiếp tạo ra được sản phẩm; từ cách trọn gỗ, sơ chế gỗ, tạo phôi, hoàn thiện chi tiết đến sơn thếp bạc và lắp máy....  

Được biết, hiện nay, nhiều tiết mục múa rối nước của các phường ở Hải Dương đã giành được nhiều giải thưởng cao và đã gây được sự chú ý của khán giả trong và ngoài nước, như tiết mục: Tễu giáo đầu, múa bát tiên, múa tứ linh (long li quy phượng), chuyện chàng câu ếch...

Cinet