Du lịch Bình Định hướng đến tầm cao mới
Cập nhật: 25/01/2011
Nằm dọc theo chiều dài miền Trung Việt Nam, Bình Định là điểm đến được du khách và các hãng lữ hành đặc biệt quan tâm. Nhờ các hoạt động xúc tiến, quảng bá thông qua internet, các chuyến framtrip, giới thiệu điểm đến tại các thị trường nội địa trọng điểm…, năm 2010, du lịch Bình Định đã gặt hái được những thành công đáng kể.
Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Định, năm 2010, Bình Định đã đón số lượng khách ước đạt 970.991 lượt, tăng 25% so với năm 2009, trong đó, khách du lịch quốc tế ước đạt 79.015 lượt (tăng 37% so với năm 2009). Tổng doanh thu du lịch ước đạt 275,985 tỉ đồng, tăng 29% so với năm 2009.    

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có trên 105 cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch, trong đó, có 4 khách sạn đạt tiêu chuẩn 4 sao, 2 khách sạn 3 sao, 7 khách sạn 2 sao và 30 khách sạn 1 sao. Các cơ sở có tổng cộng 2.446 phòng, trong đó có 1.536 phòng đạt tiêu chuẩn phục vụ quốc tế, 910 phòng đạt tiêu chuẩn phục vụ khách nội địa.

                                   Khu du lịch sinh thái Hầm Hô

Năm 2011, Bình Định tiếp tục đầu tư phát triển du lịch, phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế của tỉnh.  

Với nguồn vốn huy động cho du lịch khoảng trên 7.000 tỷ đồng, trong đó vốn từ ngân sách nhà nước trên 1.067 tỷ đồng và vốn của các doanh nghiệp đầu tư trên 5.923 tỷ đồng, trong giai đoạn 2011 - 2015, Bình Định đẩy nhanh quy hoạch và xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật ở các khu du lịch trọng điểm như Trung Lương, Vĩnh Hội, Hải Giang, dọc đường Quy Nhơn - sông Cầu; đầu tư phát triển các loại hình và sản phẩm du lịch mới, ưu tiên phát triển 2 loại hình du lịch nổi bật là du lịch sinh thái và lịch sử văn hoá; tập trung xây dựng khu du lịch Hồ Phú Hòa - đèo Son, tuyến du lịch sinh thái Hầm Hô, Núi Một, tuyến Quy Nhơn - An Nhơn - Tây Sơn, các di tích lịch sử văn hóa gắn với di tích mộ Hàn Mặc Tử... Bình Định còn phát huy lợi thế của 38 làng nghề truyền thống nhằm đa dạng hóa các sản phẩm du lịch của địa phương. Tỉnh cũng kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước xây dựng các khu du lịch hiện đại đạt tiêu chuẩn quốc tế dựa vào nguồn lực của địa phương; phát triển khu du lịch ven đầm Thị Nại gắn với khôi phục rừng ngập mặn Cồn Chim - đầm Thị Nại.  

Bên cạnh đó, tỉnh còn chú trọng xây dựng các chương trình văn hóa, du lịch để tham gia năm Du lịch Quốc gia 2011 được tổ chức tại Phú Yên và Festival Lâm sản Việt Nam lần thứ nhất được tổ chức tại tỉnh vào cuối tháng 3/2011. Tỉnh cũng mở rộng thị trường du lịch sang một số nước láng giềng như Lào, Campuchia, Thái Lan…

Phạm Phương (TTTTDL) biên tập