Lễ khai ấn đền Trần là ngày lễ lớn được tổ chức vào đêm 14 tháng Giêng âm lịch hàng năm tại Khu di tích đền Trần, phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định. Đây là một tập tục văn hóa mang tính nhân văn để nhà vua tế lễ Trời, Đất, Tổ tiên và cũng là nghi thức kết thúc việc nghỉ Tết, mở màn cho một năm làm việc mới của bộ máy chính quyền thời Trần. Các vua thời Trần mở lễ khai ấn đầu năm để thưởng công, phong tước cho các quan trong triều.
Theo quan niệm của nhiều người, nếu đầu năm nhận được “ấn tín Vua ban” thì năm đó đường công danh, sự nghiệp sẽ thuận lợi và thăng tiến. Vì vậy, hằng năm, du khách từ khắp mọi nơi đổ về đền Trần mong xin được “ấn tín Vua ban” để năm mới gặp nhiều may mắn, hạnh phúc và thành đạt.
Thông thường, vào đúng giờ tý (12 giờ đêm) ngày 14 tháng Giêng âm lịch, buổi lễ khai ấn sẽ được bắt đầu. Một cụ cao niên nhất ở địa phương sẽ đứng ra làm lễ. Đầu tiên là lễ rước ấn. Hòm ấn được đặt trang trọng trên ban thờ, trong hòm có hai con dấu. Hòm ấn này sẽ được rước sang đền Thiên Trường để làm lễ.
Tiếp theo là lễ dâng hương và lễ đại tế của các bô lão trong làng nhằm diễn tả lại những nghi thức của triều đình phong kiến xưa. Sau khi làm lễ ngoài sân, 14 cô gái đồng trinh đội 14 mâm hoa đi thẳng vào trong đền và dâng hoa lên trước ngai thờ của 14 vị vua. Sau lễ tế ở đền Thiên Trường là lễ tế ở đền Cố Trạch. Cuối cùng là lễ khai ấn. Những người tham dự lễ được phát một tờ giấy vàng được đóng dấu son đỏ để mang về treo tại nhà để cầu phúc, cầu may, tránh mọi hoạn nạn rủi ro trong năm.
Sau phần lễ là phần hội với các hoạt động văn hoá khá phong phú và độc đáo như hội diễn võ của 3 thế hệ (ông, cha, con). Tại sân đền Thiên Trường còn diễn ra đấu vật, múa rồng, múa sư tử, đặc biệt có múa Bài Bông, một điệu múa mừng chiến thắng của quân dân thời Trần. Ngoài ra còn có một số trò chơi như: hội chọi gà, ném vòng cổ chai, chơi đu, chơi cờ thẻ…
Nhằm tạo ấn tượng tốt đẹp đối với khách thập phương, Ủy ban Nhân dân thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định cho biết, lễ khai ấn đền Trần năm nay sẽ có một số đổi mới so với các năm trước. Theo chương trình dự kiến, đền Trần bắt đầu mở cửa cho khách thập phương vào lễ đầu năm từ 7h đến 19h30 ngày 14 tháng Giêng âm lịch. Từ 19h30 đến 21h, đại diện các đoàn khách mời của tỉnh, thành phố sẽ vào dâng hương, sau đó quay lại phía trước sân để hành lễ đến đền Thiên Trường. Dự kiến, sẽ có từ 1.200 - 1.500 đại biểu và khoảng 20.000 người sẽ tham dự lễ khai ấn năm nay, trong đó Ban tổ chức dự định sẽ may áo nghi lễ cho khoảng 60 - 100 đại biểu là lãnh đạo các cấp về dự lễ.
Từ 22h đến 22h30, 14 cụ cao niên thôn Tức Mặc sẽ bắt đầu lễ rước ấn từ nội cung đền Cố Trạch theo nghi lễ truyền thống. Khi đến lối rẽ vào đền Thiên Trường, những người trực tiếp rước kiệu ấn sẽ vào sân hành lễ; còn đội rước cờ, đồ tế khí... sẽ phải dừng lại ở lối rẽ vào đền Trùng Hoa nhằm hạn chế tối đa số lượng nguời có mặt, đảm bảo tình hình an ninh trật tự tại khu vực hành lễ. Vào 22h30 cùng ngày, lễ khai mạc sẽ chính thức bắt đầu.
Để du khách có điều kiện theo dõi các nghi lễ rước ấn, dâng hương, khai ấn ở phía trong đền, năm nay Ban tổ chức dự kiến sẽ truyền hình trực tiếp chương trình qua sáu màn hình lớn đặt trước đền Trần và sân đền Cố Trạch, Trùng Hoa.
Ngoài ra, nhằm tuyên truyền rộng rãi về lễ khai ấn đền Trần, trước khi ngày lễ diễn ra, Ban tổ chức sẽ phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan của tỉnh tổ chức một buổi họp báo giới thiệu lịch sử và ý nghĩa của nghi thức này.
Phạm Phương (TTTTDL) biên tập