Ngày 22/1/2011, tại xã Phù Đổng (huyện Gia Lâm, Hà Nội), UBND huyện Gia Lâm đã phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND Tp. Hà Nội và Uỷ ban Quốc gia UNESCO Việt Nam long trọng tổ chức lễ đón Bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại cho Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc (Hà Nội).
Tham dự buổi lễ có ông Lê Tiến Thọ - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ông Nguyễn Thanh Sơn - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, bà Ngô Thị Doãn Thanh - Chủ tịch HĐND Tp.Hà Nội, bà Ngô Thị Thanh Hằng - Phó Chủ tịch UBND Tp.Hà Nội, ông Nguyễn Huy Việt - Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm, bà Katherine Muller Marin - Trưởng Văn phòng Đại diện UNESCO tại Hà Nội, các nhà quản lý, nghiên cứu văn hóa cùng đông đảo người dân địa phương và du khách.
Lễ đón Bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại cho Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc đã được tổ chức hoành tráng, bài bản và ý nghĩa với hai phần lễ và hội. Nghi lễ dâng hương đã diễn ra tại đền Phù Đổng và đền Mẫu để báo công đến Đức Thánh Phù Đổng Thiên Vương (Thánh Gióng), thể hiện tấm lòng thành kính và biết ơn của người dân Việt Nam với công lao của Đức Thánh – một trong “tứ bất tử” của tín ngưỡng dân gian Việt Nam.
Phát biểu tại buổi lễ, bà Ngô Thị Thanh Hằng - Phó Chủ tịch UBND Tp. Hà Nội, đã giới thiệu sơ bộ quá trình Hội Gióng được công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại và khẳng định, vinh quang này trước hết thuộc về các thế hệ tiền nhân đã có công sáng tạo và xây dựng Hội Gióng, đồng thời cũng thuộc về nhân dân quận Long Biên và các huyện Gia Lâm, Sóc Sơn, Đông Anh, Từ Liêm, Thường Tín đã có công bảo tồn, lưu giữ di tích, truyền thuyết, tín ngưỡng và lễ hội phụng thờ Thánh Gióng. UBND Tp.Hà Nội cũng như UBND huyện Gia Lâm mong muốn các nhà nghiên cứu văn hóa, các cơ quan, đơn vị trong và ngoài nước, cộng đồng dân cư tại những nơi phụng thờ Thánh Gióng đóng góp công sức nhiều hơn nữa để giá trị của Hội Gióng ngày càng được phát huy.
Cũng trong buổi lễ, bà Katherine Muller Marin - Trưởng Văn phòng Đại diện UNESCO tại Hà Nội đã đọc bản đánh giá của UNESCO về Hội Gióng. Theo UNESCO, Hội Gióng đã ăn sâu vào đời sống của cộng đồng dân cư vùng châu thổ sông Hồng như một phần bản sắc, được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, tạo nên một dòng chảy liên tục. Hội Gióng chứa đựng những giá trị văn hóa vô cùng phong phú và quý báu của dân tộc Việt Nam nói riêng và của nhân loại nói chung. Với ý nghĩa như vậy, Hội Gióng chính thức được công nhận trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và cần phải được bảo tồn một cách chu đáo nhất.
Bà Katherine Muller Marin đã trực tiếp trao Bằng công nhận Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại cho đại diện lãnh đạo UBND Tp.Hà Nội.
Sau phần trao bằng, nhân dân xã Phù Đổng đã trình diễn một số nghi lễ, màn diễn xướng độc đáo của Hội Gióng trong khoảng 30 phút như: tế thánh, rước kiệu, xếp chữ Thái Bình, múa cờ lệnh…
Trong khuôn khổ buổi lễ, đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công bố Chương trình hành động Quốc gia nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hội Gióng giai đoạn từ 2011 đến 2015, bao gồm một số nội dung như: hoàn thiện kết quả kiểm kê khoa học của Hội Gióng; xây dựng chính sách ưu đãi với những người trực tiếp tham gia lễ hội Thánh Gióng (các ông hiệu cờ, hiệu trống, hiệu chiêng, hiệu tiểu hổ, cô tướng…) ở quận Long Biên và các huyện Gia Lâm, Sóc Sơn, Đông Anh, Từ Liêm, Thường Tín; sưu tập, phân loại, dịch ra chữ Quốc ngữ các văn bia, thần tích, sắc phong liên quan tới Thánh Gióng.
Thanh Hải (TTTTDL) tổng hợp