Hòa trong không khí tưng bừng náo nhiệt của những ngày cuối năm, đông đảo người dân TP.HCM đã tìm đến thưởng lãm một thú chơi tao nhã: xin chữ ngày Tết. Không khí Tết đang hiện diện rất nhộn nhịp tại các phố “ông đồ”. Góc phố quen thuộc ở đường Trương Định - Điện Biên Phủ (Q3) hằng ngày đón tiếp vài chục lượt khách qua đường xin chữ nay trở nên nhộn nhịp hơn trong những ngày qua. Tuy nhiên, nhiều nhất vẫn là khu phố “ông đồ” tại Nhà Văn hóa Thanh niên và Cung Văn hóa lao động đang tập trung đến hàng chục “ông đồ” trong những ngày giáp Tết này.
Với sự bày biện khá bắt mắt từ những dòng chữ thư pháp, câu đối Tết được thể hiện trên rất nhiều chất liệu: đá, lụa, giấy dó, mành, gỗ..., các phố “ông đồ” đã nhanh chóng níu chân khách qua đường, dù là người không có chủ ý đến đây nếu vô tình đi ngang cũng ghé vào chụp vài bức hình lưu niệm. Vào buổi trưa và chập tối, lượng người đến tham quan và mua chữ càng đông đúc.
Vài năm gần đây, sân chơi này đã được tổ chức định kỳ vào dịp cận Tết là nơi hội tụ những người yêu nghệ thuật thư pháp. Năm nay, phố “ông đồ” ở Nhà văn hóa Thanh niên tổ chức từ ngày 21/1 – 2/2/2011 (30 Tết), tại Cung Văn hóa Lao động cũng diễn ra trong khoảng thời gian tương tự.
Ở đây, những “ông đồ”, "anh đồ" xuất hiện với phong thái điềm đạm bằng trang phục áo dài khăn đóng, chân mang guốc mộc tạo cho người xem sự trân trọng với những người cho (bán) chữ. Không chỉ những cụ đồ già, những cô cậu "đồ trẻ" cũng có nét bút điêu luyện...
Người đến xin (mua) chữ nhiều nhất là giới sinh viên, văn nghệ sĩ, công nhân viên chức và cả khách du lịch nước ngoài.
Thú chơi này là nét văn hóa truyền thống có từ rất lâu của người Việt Nam. Sự có mặt của các phố thế này góp phần làm cho TP.HCM càng đẹp hơn trong mắt du khách.