Khai hội Đền Mẫu Âu Cơ
Cập nhật: 10/02/2011
Để mở đầu chương trình “Du lịch về cội nguồn” năm 2011 của ba tỉnh Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai, sáng 9/2, tại xã Hiền Lương, Ủy ban Nhân dân huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ đã chính thức khai hội Đền Mẫu Âu Cơ. Đây là một trong những lễ hội lớn có từ xa xưa và được lưu truyền cho đến ngày nay nhằm thể hiện tấm lòng thành kính, biết ơn của nhân dân đối với cội nguồn tổ tiên và quê hương, đất nước. Lễ hội diễn ra trong 3 ngày, từ 9/2 đến 11/2 (tức ngày 7, 8, 9 tháng Giêng âm lịch).

Tương truyền, vào ngày mùng 7 tháng Giêng âm lịch, tiên nữ Âu Cơ giáng trần, sau đó kết duyên cùng Lạc Long Quân và sinh ra một bọc trăm trứng nở thành trăm người con, khởi nguồn cho nòi giống Lạc Hồng. Khi các con khôn lớn, Lạc Long Quân dẫn 50 người con xuống biển, 50 người con còn lại theo mẹ Âu Cơ lên núi lập nghiệp, mở mang bờ cõi. Khi đến Hiền Lương, thấy phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, vạn vật tốt tươi, mẹ Âu Cơ đã dừng chân để khai hoang lập ấp, dạy con cấy lúa, trồng khoai, chăn tằm dệt vải.  

Đến năm Nhâm Thân, vào đêm 25 tháng Chạp, mẹ Âu Cơ đã hóa tiên cùng bầy tiên nữ bay về trời, để lại một dải yếm đào trên cành đa lớn. Để tưởng nhớ công đức của Tổ mẫu Âu Cơ, nhân dân đã lập miếu thờ ngay dưới gốc cây đa cổ thụ. Đến thời vua Lê Thánh Tông, niên hiệu Quang Thuận năm thứ 6 (1465), ông đã cho nhân dân Hiền Lương xây đền thờ Tổ mẫu Âu Cơ. Từ đó trở đi, hàng năm, cứ vào ngày mùng 7 tháng Giêng âm lịch (ngày tiên giáng trần), nhân dân Hiền Lương và các vùng lân cận lại mở hội tưởng nhớ Tổ mẫu Âu Cơ.  

Lễ hội bao gồm hai nội dung chính là phần lễ và phần hội. Phần lễ đã được tổ chức vào đúng 8h ngày 9/2 (tức ngày mồng 7 Tết Tân Mão). Mở đầu phần lễ, đội tế nam tiến hành lễ tế Thành hoàng làng ở đình, sau đó rước kiệu Thành hoàng cùng lễ vật từ đình vào đền thờ Mẫu Âu Cơ trong tiếng chiêng, trống, tiếng nhạc bát âm rộn rã. Lễ vật dâng Tổ mẫu là hương hoa cùng 100 cầu bánh ngọt, 100 phẩm oản màu cùng nhiều lễ vật tượng trưng cho tấm lòng của trăm người con dâng lên Tổ mẫu. Vào đến đền, đội tế nữ gồm 12 cô gái thanh tân mặc áo dài, đầu đội khăn kim tuyến, chân đi hài thêu, thắt lưng lụa màu tiến hành tế lễ và dâng hương.  

Sau phần lễ là phần hội với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ và các trò chơi dân gian như kéo co, đẩy gậy, bắn nỏ, cờ tướng, bóng chuyền… nhằm giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc.

Phạm Phương (TTTTDL) biên tập