Đã thành thông lệ, từ ngày 12 đến 16 tháng Giêng âm lịch hàng năm, tại ngôi đình thờ Thành hoàng và ông tổ làng nghề Vị Khê, xã Điền Xá, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định lại tổ chức lễ hội hoa, cây cảnh Vị Khê để tưởng nhớ, tôn vinh công lao của ông tổ nghề Tôn Trung Tự - người đã truyền dạy nghề trồng hoa, cây cảnh cho người dân địa phương.
Năm 1211, quan thái úy phụ chính Tôn Trung Tự về Vị Khê xây dựng tòa thành bảo vệ biển Đông. Thấy nơi đây là vùng đất đẹp, dân cư thuần phát, ngài đã truyền dạy cho nhân dân địa phương nghề trồng hoa, ươm cây cảnh. Dưới thời nhà Trần, nghề trồng hoa, cây cảnh của làng Vị Khê phát triển rực rỡ, chủ yếu phục vụ cho triều đình và đáp ứng nhu cầu của nhân dân vào dịp Tết. Từ năm 1975, cây thế và cây cảnh nghệ thuật của Vị Khê đã trở thành một loại hàng hóa lưu thông trong khắp cả nước.
Lễ hội hoa, cây cảnh Vị Khê bao gồm hai phần: phần lễ và phần hội. Phần lễ gồm các nghi lễ: tế nam quan, tế nữ quan, rước hoa, cây cảnh tiêu biểu về đình làng, dâng hương ông tổ làng nghề. Phần hội gồm các hoạt động: trưng bày những loài hoa quý; những cây cảnh độc đáo; biểu diễn văn nghệ và các trò chơi dân gian như: cờ người, cờ tướng, tổ tôm điếm, chọi gà, kéo co… Đặc biệt, tại lễ hội còn tổ chức cuộc thi tay nghề tạo thế cây cảnh, thi hoa cây cảnh thu hút nhiều du khách tham gia.
Theo Ban tổ chức, quy mô của lễ hội năm nay (từ ngày 14 đến ngày 18 tháng 2) được mở rộng hơn nhiều so với các năm trước, vì vậy, số lượng tác phẩm tham dự cũng tăng cao. Nếu như năm 2010 có hơn 800 tác phẩm dự thi thì năm 2011, con số này đã vượt quá 1.200, trong đó 5% tác phẩm có giá trị trên 1 tỷ đồng. Ngoài các nhà vườn đến từ các huyện trong tỉnh, lễ hội năm nay còn thu hút các nghệ nhân đến từ các tỉnh, thành phố phía Bắc như Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Thái Bình, Hưng Yên, Hà Nam, Ninh Bình, Vĩnh Phúc,... tham gia trưng bày với hơn 300 tác phẩm.
Với nhiều hoạt động mang sắc thái đặc trưng của làng nghề, lễ hội hoa, cây cảnh Vị Khê không chỉ khơi dậy đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” mà còn tạo cơ hội cho các nghệ nhân giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, đem tác phẩm của mình giới thiệu đến du khách, góp phần hình thành và thúc đẩy kinh tế sinh vật cảnh phát triển.
Phạm Phương (TTTTDL) biên tập