Người dân
xã Hải Lựu nô nức tổ chức lễ hội chọi trâu vào ngày 16 tháng Giêng hàng năm
để tưởng nhớ đến Thừa tướng Lữ Gia, người đã có công chống giặc ngoại xâm, cứu
nước (năm 111 trước Công nguyên).
Đến với lễ
hội chọi trậu xã Hải Lựu (huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc), du khách được thưởng
thức những trận ngưu đấu nảy lửa và hấp dẫn. Mỗi năm lễ hội đón hàng vạn khách
thập phương đến trẩy hội.
Lễ hội nghìn năm tuổi
Ông Nguyễn
Văn Thắng, Phó Chủ tịch Hội người cao tuổi xã Hải Lựu chia sẻ, tương truyền lễ
hội chọi trâu Hải Lựu có từ thế kỉ thứ II trước Công nguyên, cách đây khoảng
2200 năm.
Năm 111
trước Công nguyên, tướng quân Lộ Bát Đức nhà Hán đem quân xâm lược nước Nam
Việt. Lúc đó, Thừa tướng Lữ Gia, một tướng giỏi của triều đình đã đem quân về
vùng núi Hải Lựu – Lập Thạch để chống giặc.
Để động
viên tinh thần binh sĩ và dân chúng khi thắng trận, Thừa tướng Lữ Gia cho mổ
trâu khao thưởng quân sĩ và dân làng ăn mừng chiến thắng. Ông đặt ra trò đấu
ngưu (chọi trâu) nhằm khích lệ khí thế quân sĩ và người dân, từ đó, dần dần trở
thành lễ hội chọi trâu.
Hội chọi
trâu được lưu truyền qua nhiều đời, trở thành một cổ tục truyền thống của địa
phương. Lễ hội bị đứt đoạn từ năm 1947 và đến năm 2002 mới được khôi phục lại.
Hàng năm,
cứ đến ngày 16 tháng Giêng người dân trong xã lại nô nức tổ chức lễ hội chọi
trâu vừa để tưởng nhớ đến công ơn của thừa tướng Lữ Gia vừa là hoạt động văn
hóa truyền thống, khích lệ tinh thần người dân địa phương bước vào năm mới.
“Đây là lễ
hội truyền thống đặc sắc, có ý nghĩa lớn về mặt văn hóa, tinh thần với người
dân xã nhà. Hàng năm, lễ hội còn thu hút hàng vạn người dân ở nhiều nơi đến
trẩy hội”, ống Thắng cho biết.
Nhằm đáp
ứng nhu cầu của người dân đi xem hội ngày càng đông, năm 2006, tỉnh Vĩnh Phúc
đã đầu tư cho xã Hải Lựu mở rộng và hoàn thiện sân vận động phục vụ lễ hội chọi
trâu. Sân có sức chứa hàng nghìn người. Xung quanh sới chọi được dựng hàng dào
bằng gỗ chắc chắn, đảm bảo an toàn cho người xem, các bậc ngồi được lát bằng
đá.
Tham gia lễ
hội chọi trâu năm nay có 26 “ông cầu” (trâu chọi) của 19 thôn trong xã và của
các nhà tài trợ lễ hội. Theo thể lệ, ngày 16 khai mặc lễ hội và tổ chức thi đấu
vòng loại. Sáng 17 tổ chức các trận bán kết, chung kết để phân loại nhất, nhì,
ba.
Để có những
“ông cầu” phục vụ vào đúng lễ hội, ngay từ đầu năm trước, những người nuôi trâu
chọi phải đi khắp các tỉnh miền núi phía Bắc
như Hà Giang, Lào Cai, Phú Thọ… để tìm mua trâu chọi.
Đến tháng 9
âm lịch năm trước hội, các chủ trâu phải làm lễ tấu trình ở vọng đài tưởng niệm
tâm linh để kính cáo với thánh thần là trâu được tham gia vào lễ hội. Đến ngày
15 tháng Giêng, tất cả các “ông cầu” đều phải làm lễ trước Thành hoàng làng,
sau đó mới được vào thi đấu.
Các trận
chọi trâu ở lễ hội luôn diễn ra đầy kịch tính và hấp dẫn, thu hút hàng vạn
người đến xem. Khi trọng tài chính hô: “Trâu ở cửa Đông và cửa Tây vào sới
chọi”, hai trâu được đưa vào vạch xuất phát. Lúc trọng tài phát cờ thì chủ trâu
thả hai trâu ra và trận chiến bắt đầu. Đúng lúc đó, tiếng chiêng, trống nổi lên
thôi thúc cùng với tiếng hò reo, vỗ tay của khán giả làm vang dậy cả một vùng.
Một trong
những nét đặc sắc của lễ hội có sức hút lớn với du khách là món thịt trâu chọi.
Tất cả các “ông cầu” sau khi thi đấu xong dù thua hay thắng trận đều được mổ
thịt ngay tại chỗ để bán cho người dân địa phương và khách thập phương. Theo
quan niệm của người dân trong vùng, ăn thịt trâu chọi sẽ đem lại may mắn và sức
khỏe trong năm mới.
Nuôi trâu cũng lắm công phu
Khi được
xem những trận chọi trâu nảy lửa, ít ai biết được để có những “ông cầu” thiện
chiến, chủ nuôi trâu phải tốn rất nhiều công sức.
Anh Nguyễn
Tiến Thuận ở làng Len là một trong 26 người nuôi trâu chọi phục vụ cho lễ hội
năm nay. Mới bước sang tuổi 36 nhưng anh đã có đến gần 10 năm kinh nghiệm nuôi
trâu chọi.
Anh Thuận
cho hay, để nuôi được một “ông cầu” như ý muốn, người nuôi trâu phải trải qua
nhiều công đoạn hết sức công phu, từ việc chọn mua trâu chọi đến việc chăm sóc
và huấn luyện.
Khi được
giao nuôi “ông cầu” phục vụ lễ hội, ngay từ đầu năm, anh đã phải lặn lội đi
nhiều tỉnh phía Bắc, mất hàng tháng trời mới mua được một con trâu chọi ưng ý.
Mỗi chủ trâu lại có một “bí quyết” nuôi trâu chọi riêng.
Anh Thuận
“bật mí”, những người nuôi trâu rất kĩ lưỡng trong việc chọn mua trâu chọi.
Những con trâu chọi đạt yêu cầu phải đảm bảo thân hình to khỏe, cân đối, có
móng hến (móng dầy và khỏe để bám đất được chắc khi thi đấu); đồng thời trâu
phải có tuổi đời từ 9 năm trở lên mới có được sức lực sung mãn. Tùy từng miếng
đánh mà chủ trâu chọn mua những con trâu có độ mở sừng phù hợp.
Việc chăm
sóc và huấn luyện trâu chọi cũng được chủ trâu tiến hành một cách cẩn thận và
bài bản. Chuồng nuôi phải luôn đảm bảo khô ráo và sạch sẽ. Mùa hè, mỗi ngày
phải tắm cho trâu một lần bằng nước sạch, còn mùa đông thì phải quây kín chuồng
để trâu không bị lạnh. Đợt giá lạnh vừa qua, anh thường xuyên phải thức trắng
đêm đốt lửa giữ ấm cho “ông cầu”.
Hàng ngày,
anh cho trâu chọi húc đầu vào các gốc cây to trong vườn để rèn luyện cho trâu
các miếng đánh. Bên cạnh đó, anh còn thường xuyên khua chiêng gióng trống giúp
“ông cầu” quen với không khí náo nhiệt khi thi đấu.
“Việc nuôi
trâu chọi tuy vất vả nhưng người nuôi trâu luôn được bà con hàng xóm trọng vọng
và yêu quý. Tôi cảm thấy rất vui khi được đóng góp một phần công sức vào việc
giữ gìn một nét đẹp văn hóa truyền thống của quê nhà”, anh Thuận nói.